VBA KIẾN NGHỊ: “Mạnh tay” hơn nữa trong quản lý kinh doanh rượu - Hình 1

 “Mạnh tay” hơn nữa trong quản lý kinh doanh rượu (Ảnh minh họa)

Cần tăng mức xử phạt

Theo đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, trưng bày các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; áp dụng các chế tài có tính răn đe cao đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý Nhà nước.

VBA cũng kiến nghị Bộ Công thương trình Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu, thậm chí đề nghị áp dụng mức truy tố hình sự đối với những trường hợp vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và sức khỏe người sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; rà soát, tăng cường quản lý hoạt động cấp phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu. Bộ Công thương cũng cần có biện pháp quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong pha chế rượu.

Mặt khác, VBA cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn và cho phép các DN sản xuất, kinh doanh rượu xây dựng trang web để thực hiện một số công tác thông tin với người tiêu dùng; đồng thời có quy định để các DN được phép giới thiệu về quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng; giới thiệu sản phẩm nhằm mục đích nhận diện sản phẩm và chống lại hàng gian, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định, toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước phải được dán tem và đăng ký bản công bố hợp quy về chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn những loại rượu đang được chào bán trên thị trường đều không có tem, nhãn (chiếm khoảng 80%) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra trên toàn quốc. Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là do uống rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ, ngành cùng vào cuộc

Để kịp thời ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc rượu, ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Trong chỉ thị này, Bộ Công thương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa...

Ngày 23/3, tại Tọa đàm “Ngộ độc rượu có chứa methanol - thực trạng và giải pháp”, do VBA tổ chức, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia y tế và an toàn thực phẩm đề xuất các giải pháp quản lý sản xuất rượu thủ công, cồn công nghiệp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cảnh giác với vấn đề rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đề nghị Bộ Y tế bổ sung, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công, rượu thuốc cũng cần quản lý chặt chẽ. Tăng cường công tác thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đề nghị Bộ Y tế tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng rượu của các cơ sở sản xuất thường xuyên để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt mức tiêu chuẩn đã công bố với sở y tế.

Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định về việc dán tem rượu để quản lý các sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường, nhất là đối với sản phẩm rượu thủ công, dân tự nấu, rượu thuốc bán tại các cửa hàng nhằm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và bảo đảm bình đẳng với các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

KIÊN HÀ