Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng
Số vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, báo cáo của lực lượng liên ngành TP Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua đã thanh tra, kiểm tra 107.020 lượt cơ sở, phát hiện cơ sở vi phạm, tiêu hủy gần 2.000 kg sản phẩm động vật khác làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, 1,3 tấn mì chính giả, 2 tấn thực phẩm chức năng...

Thành phố cấp được 1.339 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 1.154 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm, 166 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, 7.153 bản tự công bố sản phẩm, 3.446 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, gia cầm,... không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, vẫn còn tồn tại, với quy mô nhỏ, lẻ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người tiêu dùng.

Điển hình như vụ sản xuất, tiêu dùng sản phẩm không đảm bảo an toàn “Pate Minh Chay” do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mở sản xuất, lưu thông bị nhiễm độc, gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phát hiện một số vụ điển hình về an toàn thực phẩm...

Hay vụ việc lực lượng QLTT thu giữ 6.290 kg nội tạng gia súc, gia cầm; 6.905 kg nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; 8.240 gói bim bim không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng; 22.000 sản phẩm bánh do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc…

Trong năm 2021, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xử lý kịp thời các thông tin báo chí và người dân phản ánh về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mất ATTP...

Đồng thời, chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn. Đẩy mạnh công tác thông tỉn truyền thông thường xuyên từ thành phố đến xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

H.M