Đây là bảng xếp hạng hộ chiếu dựa trên số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà người mang hộ chiếu đó được miễn thị thực.
Theo Henley Passport Index, năm nay, hộ chiếu Mỹ được miễn thị thực tại 186/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt xuống vị trí thứ 9. Theo đó, hộ chiếu Mỹ tụt xuống xuống vị trí thứ 9 từ vị trí thứ hai của năm 2015. Trong 10 năm qua, đây là hộ chiếu tụt hạng mạnh thứ hai chỉ sau Venezuela. Có 27 hộ chiếu xếp thứ hạng cao hơn Mỹ, trong đó một số cùng giữ một vị trí.
Theo các nhà phân tích, sự tụt hạng của hộ chiếu Mỹ Henley Passport Index có mối liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa biệt lập cũng như các chính sách bảo hộ ngày càng gia tăng của Washington. Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có kế hoạch tăng thuế quan với hàng hóa từ nhiều đối tác thương mại và trục xuất hàng loạt người nhập cư. Các chính sách này làm dấy lên quan ngại về sự phân mảnh thương mại toàn cầu cũng như leo thang căng thẳng địa chính trị.
“Cách tiếp cận của ông Trump khiến nhiều người hoài nghi về sức mạnh của hộ chiếu Mỹ trong tương lai”, ông Tim Klatte, nhà phân tích tại Grant Thornton China và cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New York Thượng Hải và Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, nhận xét.
Theo Henley & Partners, ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh ngày càng nhiều công dân Mỹ tìm cách di cư. Người Mỹ chiếm 21% các yêu cầu trong chương trình di cư đầu tư mà công ty này nhận được trong năm 2024. Đây là tỷ lệ lớn nhất đến từ một quốc gia.
Henley & Partners dự báo năm nay sẽ xảy ra làn sóng di cư của người giàu trên toàn cầu mạnh mẽ hơn so với những năm trước với 142.000 triệu phú USD. Hiện chưa có dự báo chính xác trong số này có bao nhiêu người mang hộ chiếu Mỹ. Năm 2023, Trung Quốc chứng kiến số lượng người giàu di cư nhiều nhất thế giới – cụ thể là 15.200 triệu phú USD – trong bối cảnh nhiều người lo ngại về tình hình kinh tế ảm đạm tại nước này và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trong xếp hạng năm nay, hộ chiếu Singapore tiếp tục đứng vị trí số một với 195 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực. Theo sau là hộ chiếu Nhật Bản với 193 nơi miễn thị thực. Hộ chiếu Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha cùng giữ vị trí thứ ba với 192 nơi miễn thị thực.
Theo các nhà phân tích, các hộ chiếu Châu Á được miễn thị thực ở nhiều nơi nhờ các thỏa thuận miễn thị thực có đi có lại.
“Do gần như đứng yên tại chỗ, hộ chiếu Mỹ và Anh đang tụt lại phía sau”, ông Christian H. Kaelin, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập xếp hạng hộ chiếu của Henley & Partners, nhận xét khi đề cập tới thực tế là số lượng quốc gia miễn thị thực với hộ chiếu Mỹ và Anh gần như không thay đổi trong 10 năm qua.
Các quốc gia thường có thỏa thuận miễn thị thực cho công dân của nhau. Nếu Mỹ không miễn thị thực thêm cho công dân các nước khác, thì công dân của họ cũng ít được cấp thêm đặc quyền này trên thế giới.
Giới quan sát đang xem xét khả năng ông Trump có thể áp đặt các “lệnh cấm đi lại” tương tự như những chính sách được ông triển khai trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Với tư cách tổng thống, năm 2017, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm công dân có người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như người từ Triều Tiên và Venezuela. Sắc lệnh này sau đó bị tòa án bác bỏ.
Trong xếp hạng năm nay, hộ chiếu Trung Quốc đứng thứ 60 – thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của hộ chiế này và nằm trong nhóm tăng hạng nhanh nhất trong thập kỷ qua. Năm 2015, hộ chiếu này đứng thứ 94. Điều này cho thấy xu hướng cởi mở hơn của Bắc Kinh. Năm ngoái, nước này miễn thị thực cho công dân gần 30 quốc gia, gồm Ireland, Thụy Sỹ, Đức, Italy và Hà Lan.
Đứng cuối bảng là hộ chiếu Afghanistan sau khi bị mất đặc quyền miễn thị thực tại hai quốc gia trong năm qua.
Hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 91 trong xếp hạng năm nay với 51 nơi miễn thị thực, giảm từ vị trí 87 và 55 nơi miễn thị thực của năm ngoái.
PV/vneconomy.vn