VCBS vi phạm nghiêm trọng

Đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần CTCP Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của Mobifone và các đơn vị liên quan trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Mobifone lựa chọn VCBS làm đơn vị tư vấn. Mobifone đã chuyển file hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho VCBS trước khi phát hành HSYC, vi phạm hành vi bị cấm được quy định tại Điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu; cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm được quy định tại Điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Bản kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ đơn vị thẩm định giá được MobiFone lựa chọn là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính “giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán”; sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá.

VCBS cũng đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG.

Theo Thanh tra Chính phủ, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho MobiFone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá.

Dư luận thắc mắc về trách nhiệm lãnh đạo VCBS

Từ tháng 8/2015, Tổng Giám đốc MobiFone đã có công văn về việc lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trong đó MobiFone đề cập tới phương án mua lại cổ phần AVG. Đến tháng 1/2016, thương vụ hoàn tất với tỷ lệ mua vào lên tới 95% cổ phẩn AVG.

Từ lúc dự án đầu tư tới lúc hoàn tất thương vụ, MobiFone chỉ mất 5 tháng. Điều đó cũng có nghĩa VCBS hoàn tất công việc định giá của mình một cách nhanh chóng. Nhưng có lẽ thời gian không phải lý do gây ra các sai phạm có tính tổ chức trong thương vụ này.

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG được kết luận là có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Thế nhưng, VCBS, đơn vị “khởi nguồn” cho nhiều sai phạm này dường như vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm.

Vì vậy, các lãnh đạo VCBS cũng không được chỉ tên đích danh trong quá trình xử lý sai phạm dù Thanh tra Chính phủ kết luận trách nhiệm trong các sai phạm của VCBS và 3 đơn vị tư vấn, định giá còn lại thuộc về giám đốc và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

Trong khoảng thời gian VCBS định giá AVG, ông Vũ Quang Đông là Giám đốc VCBS. Ông Đông nắm giữ chức vụ CEO của VCBS từ 31/5/2013. Đến 14/7/2017 - khoảng thời gian thương vụ này được báo chí đặt nhiều nghi vấn trở lại, ông Đông trở thành Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), pháp nhân do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu 51% vốn.

Ông Đông không phải lãnh đạo cấp cao duy nhất tại VCBS. Trong năm 2015, ông Phạm Quang Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên VCBS. Đồng thời, ông Dũng còn là Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vietcombank.

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi ngoài ông Phạm Quang Dũng và ông Vũ Quang Đông, cái tên nào “cao” hơn có thể có liên quan không vì VCBS không phải công ty tự thành lập thông thường. VCBS là công ty con của Vietcombank với tỷ lệ sở hữu 100%.

Ngoài quan hệ sở hữu, Vietcombank và VCBS có mối quan hệ mật thiết với nhau khi ông Dũng vừa là Chủ tịch VCBS vừa là Tổng Giám đốc Vietcombank.

Có thể thấy, là những quản lý cấp cao nhất tại VCBS nhưng ông Dũng và ông Đông đều không được nhắc tới một cách đích danh trong quá trình điều tra sai phạm của thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG.

Vì sao lãnh đạo VCBS không bị 'gọi tên' trong kết luận thanh tra vụ AVG? - Hình 1

Thanh tra Chính phủ kết luận Giám đốc và các thẩm định viên VCBS phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong định giá nhưng ông Vũ Quang Đông chưa hề bị "gọi tên" công khai, liệu có hay không việc bao che sai phạm.

Trách nhiệm người đứng đầu trước sai phạm nghiêm trọng

Từ năm 2014 đến 2017, lợi nhuận sau thuế Vietcombank tăng 4.499 tỷ đồng, tương ứng 98% lên 9.091 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao lịch sử của Vietcombank nói riêng và cả hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng tốt. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2018 của Vietcombank đạt 2.932 tỷ đồng, tăng 911 tỷ đồng, tương ứng 45% so với quý 2/2017, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 6.440 tỷ đồng, tăng 2.209 tỷ đồng, tương ứng 52,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng, Vietcombank lại khiến cổ đông lo lắng khi tài sản giảm mạnh, còn nợ có khả năng mất vốn đi lên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, tại thời điểm cuối quý 2/2018, tổng tài sản của Vietcombank đạt 977.682 tỷ đồng, giảm 57.611 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD), tương đương 5,6% so với hồi cuối năm 2017. Như vậy, tổng tài sản của Vietcombank đã đánh mất mốc 1 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ xấu lại đi lên. Tại thời điểm cuối quý 2/2018, nợ xấu tại Vietcombank đạt 6.993 tỷ đồng, tăng 785 tỷ đồng, tương ứng so với cuối năm 2017 và chiếm 1,153% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, đáng chú ý nhất, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, tăng 2.144 tỷ đồng, tương ứng 111% lên 4.084 tỷ đồng.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng nợ có khả năng mất vốn tại Vietcombank tăng mạnh áp đảo so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, cuối quý 2, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại Vietcombank đạt 606.053 tỷ đồng, tăng 62.619 tỷ đồng, tương ứng 11,5% so với hồi cuối năm 2017.

Theo Bảo Linh/nguoitieudung.com.vn