Tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, đã diễn ra Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác giữa Việt Nam - Israel. Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đồng chủ trì Kỳ họp.
Tham dự Kỳ họp, có đại diện: Văn phòng Chính phủ, các bộ Ngoại giao, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị của Bộ KH&CN.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel (12/7/1993-12/7/2023). Kỳ họp nhằm triển khai các thỏa thuận cấp cao hai nước, tăng cường hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác song phương hai nước về kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam và Isarel có nhiều điểm tương đồng, nhưng có một điểm tương đồng nổi bật đó là sự vượt khó vươn lên của hai dân tộc. Chính phủ, nhân dân Việt Nam đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Israel, vị trí quốc tế ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của quốc gia với tinh thần “khởi nghiệp” mạnh mẽ, góp phần đưa Israel trở thành một quốc gia có nền kinh tế vững mạnh với nền KH&CN phát triển cao trên thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết mở ra một chương mới, một bước tiến xa hơn trong quan hệ hai nước. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời là điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD trong thời gian tiếp theo.
Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel là điều kiện để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trở nên toàn diện hơn trong bối cảnh mới.
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Điển hình như sắp tới sẽ có đường bay thẳng Việt Nam - Israel, giúp hai nước vượt qua khoảng cách về địa lý, xích lại gần nhau hơn, từ đó sẽ thúc đẩy du lịch, giao thương...
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat cho biết, đất nước Israel là đất nước của khởi nghiệp với khoảng 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Những doanh nghiệp này đang muốn vươn ra toàn cầu và tăng trưởng quy mô. Vì vậy, Israel cần tăng cường hợp tác để giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về Việt Nam, quan tâm tới Việt Nam và lựa chọn Việt Nam, không chỉ với tư cách một quốc gia riêng lẻ mà còn là cửa ngõ vào ASEAN. Đây sẽ là một trọng tâm quan trọng trong hợp tác giữa hai Chính phủ.
Ông Nir Barkat cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trong hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vận hành thành công.
Israel thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với khu vực tư nhân, lắng nghe ý kiến của họ, xem họ cần gì và đó cũng là cách mà Việt Nam - Israel tiếp tục hợp tác để tìm hiểu về doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu gì, cũng như xem xét việc thành lập một quỹ hợp tác để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Israel đầu tiên đến Việt Nam được phát triển thành công.
Tại Kỳ họp, hai bên đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện biên bản của Kỳ họp lần thứ hai, thảo luận phương hướng và những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tất cả lĩnh vực còn rất lớn. Hai nước có nhiều lợi thế riêng để có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác. Nhiệm vụ của hai bên là tìm ra các biện pháp khai thác hiện thực hóa thế mạnh của mỗi bên để nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực.
Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam, được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc ký kết VIFTA, hai bên khẳng định VIFTA mở ra một cơ hội mới thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước, là tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu kim ngạch song phương 3 tỷ USD. Hai bên nhất trí cho rằng, cần sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn VIFTA và thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về tiềm năng, cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Chính phủ hai bên cần hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư, mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Về KH&CN, hai bên sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả những thỏa thuận đã ký, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; coi KH&CN là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương, là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước; đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các xu thế kinh tế mới nổi và tương thích với chiến lược phát triển của Việt Nam bao gồm phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác.
Hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, năng lượng, hải quan, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chất lượng, hợp tác phát triển, giáo dục, du lịch, tư pháp...
Hai bên đã ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel và chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Cục An toàn thông tin Israel. Hai bên nhất trí tổ chức Kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel vào năm 2025 tại Israel.
Minh Anh(T/h)