Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học, trong đó ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong top 400.
Từ nay đến năm 2030 cả nước sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, THPT đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đề nghị các đơn vị thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao thông qua thiết lập hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố.
Các đơn vị cũng cần tiếp tục duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, đặc biệt ở các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành; hỗ trợ xây dựng và phát triển tạp chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp được xếp hạng trong danh mục các tạp chí uy tín trên thế giới (ECSI/Scopus).
Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu các ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán; tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục Toán học hiện đại và đề xuất cho Việt Nam.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình gồm ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn xã hội hóa các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối thực hiện.
Huy Trung