Theo đề xuất của đơn vị sản xuất, tại giai đoạn 1 của đợt thử nghiệm, chính là giai đoạn này, vắc xin sẽ được sử dụng để tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ gồm 60 người tình nguyện, thời gian dự kiến là trong tháng 11.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, vắc xin đã được sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm, trải qua nhiều đợt đánh giá, đã và vẫn đang được tiêm thử nghiệm đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch trên động vật.
Đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà sản xuất, trong đó có việc cho phép gối đầu các khâu nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trên động vật và trên người, nhưng yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn cho người tình nguyện và các yêu cầu về đạo đức trong nghiên cứu y sinh.
Tại Việt Nam có 4 nhà sản xuất tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 2 sản phẩm có cơ hội thử nghiệm lâm sàng trên người sớm vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, quyền bộ trưởng Bộ Y tế, hiện toàn thế giới có 187 công ty, nhóm đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người (có 9 sản phẩm đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức là trên nhóm lớn người tình nguyện).
Nếu tháng 11 này vắc xin của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người, đây sẽ là sản phẩm thứ 39 bước vào giai đoạn tiêm thử trên người.
Việt Nam đã đăng ký và tham gia nhóm được ưu tiên quyền tiếp cận vắc xin khi vắc xin ngừa COVID-19 có mặt trên thị trường. Riêng với vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam, Bộ Y tế và giới khoa học đang hi vọng có sản phẩm thương mại vào quý 4/2021.
Minh Đức