Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Trung Đông
Đề cập đến hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 14/4/2023, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung khẳng định, hiện nay, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, còn nhiều dư địa để phát huy hơn nữa tiềm năng của 2 nền kinh tế - vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau. Đặc biệt, Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Trung Đông về lĩnh vực năng lượng.
Ông Trương Xuân Trung cho biết, UAE có trữ lượng dầu, khí lớn, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu, khí phát triển và có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của thế giới.
Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực này, tháng 9/2019, Việt Nam và UAE đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và công nghiệp nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác năng lượng, công nghiệp song phương.
Bên cạnh đó, trong buổi làm việc vào ngày 5/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE một số lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai bên. Đơn cử như, ký mới Bản ghi nhớ về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước; tạo điều kiện để các đối tác UAE sớm làm việc với Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực dầu khí...
Ông Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn UAE xem xét khả năng đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô, sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam để cung cấp cho khu vực châu Á; ngoài ra, còn nghiên cứu cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia kinh tế, dự trữ xăng dầu quốc gia mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Đây là mức thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi, nhiều nước trên thế giới đã dự trữ lên 90 ngày.
Năm qua, thị trường xăng dầu có thời điểm rơi vào khủng hoảng vì nhiều cửa hàng không có xăng để bán. Tại dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Việt Nam tính nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến 2030.
Nhiều ưu đãi thuế xuất khẩu khi CEPA được ký kết
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) - sẽ mở ra cơ hội đối với cả hai nước. Trong khi Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất nhiều ngành hàng quan trọng của khu vực và thế giới, thì UAE lại có nhiều thế mạnh với tư cách là một cảng trung chuyển và trung tâm tài chính và logistics. Do vậy, việc kết hợp thế mạnh của hai bên - sẽ tạo đà tăng trưởng thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2022 đạt 3,85 tỷ USD, tăng mạnh so con số 140 triệu USD năm 2006. Hiện UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này là nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị… tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Ông Trương Xuân Trung đánh giá, hiện lĩnh vực nông nghiệp của UAE chỉ chiếm 0,9% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng chà là), lĩnh vực công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô) trong cơ cấu kinh tế của UAE. Do đó, nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. UAE được coi là một thị trường mở và hầu như không có rào cản thương mại. Song, đây cũng là điều khiến thị trường này có tính cạnh tranh rất khốc liệt, là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối thủ của Việt Nam là các quốc gia đã ký CEPA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ…, do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE, tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Vì lẽ đó, ông Trương Xuân Trung nhấn mạnh, khi CEPA giữa Việt Nam - UAE được ký kết, sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về thương mại, đầu tư và năng lượng giữa hai nước, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Điều này, sẽ tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.
"Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị UAE nghiên cứu, thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác chứng nhận Halal để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước; đồng thời, đề nghị UAE thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tuần hàng Việt Nam tại UAE, kết nối với hệ thống phân phối tại UAE… ”, ông Trung nêu.
Lê Pháp (Th)