Thêm 8 sản phẩm mới được công nhận

Năm 2022, trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có 8 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn đầu được công nhận 5 sản phẩm và giai đoạn 02 huyện đăng ký 06 sản phẩm thì có 03 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao.

Năm sản phẩm được công nhận gồm: Bột gấc sấy lạnh nguyên chất; dầu gấc tinh khiết của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gấc Việt, xã Quảng Minh; đông trùng hạ thảo Duca của HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan; dưa chuột Xuân Trường của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường, xã Tự Lạn; bánh hạt gạo lứt của Cơ sở sản xuất Thân Đức Tiến, xã Vân Trung.

Ba sản phẩm trong giai đoạn 2 được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xét duyệt thống nhất đề nghị công nhận đạt 3 sao gồm: Muối lạc vừng rong biển, bánh chưng Hạnh Phúc của HTX Nông nghiệp Hạnh phúc, xã Tăng Tiến và mỳ ngũ sắc Quê ta của Cơ sở sản xuất nông sản Quê ta, xã Nghĩa Trung.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Gấc Việt.
Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Gấc Việt.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Sỹ Quảng - thành viên Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Gấc Việt, thôn Khả lý Thượng, xã Quảng Minh cho biết: Gia đình tôi trồng, thu mua và sản xuất các sản phẩm từ quả gấc (tinh dầu, bột gấc, màng gấc…) gần 20 năm nay.

Các mặt hàng đã được thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài ghi nhận. Từ năm 2014 đến nay, HTX xuất khẩu hàng chục tấn hàng sang Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc).

“Nhưng từ năm 2021 trở về trước, do chưa được công nhận sản phẩm OCOP nên chúng tôi không thể trực tiếp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài mà phải thông qua một doanh nghiệp (DN) khác.

Giờ HTX có thể trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm OCOP, không phải qua trung gian”, ông Trần Sỹ Quảng nói.

Cũng theo ông Quảng, các sản phẩm khi được công nhận OCOP, được Nhà nước bảo hộ có thêm nhiều lợi thế, thị trường tiêu thụ phong phú hơn, giá trị tăng lên.

Vì thế, ngoài 2 sản phẩm đã được công nhận, HTX Nông nghiệp Gấc Việt đang đầu tư nâng chất lượng các mặt hàng còn lại như: Màng gấc, bột gấc tươi đông lạnh… để đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Tính từ năm 2019 đến nay, huyện Việt Yên có 28 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 05 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao), trở thành huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh về số lượng sản phẩm được công nhận 3-4 sao.

Không ngừng nâng cao, đa dạng mẫu mã để nâng "sao" cho sản phẩm

Năm 2020, huyện có sản phẩm nấm ngọc châm và nấm đùi gà được công nhận 3 sao của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương. Từ đó đến nay, hai sản phẩm này sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, nhiều khi không đủ hàng cung cấp theo nhu cầu.

Theo anh Ngô Đình Toàn - Chủ nhiệm đề tài đăng ký các sản phẩm OCOP làm từ nấm của Công ty chia sẻ: “Từ hiệu quả kinh tế của 02 sản phẩm đầu tiên, hiện DN đang đầu tư thêm cho giò nấm và pate nấm để đăng ký tham gia chương trình OCOP”.

Thu hoạch nấm đùi gà tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương, xã Quang Châu (Việt Yên).
Thu hoạch nấm đùi gà tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương, xã Quang Châu (Việt Yên).

Để phát triển mạnh các sản phẩm OCOP, huyện Việt Yên đã thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm hỗ trợ DN liên kết và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP của chủ thể.

Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Việt Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi năm có ít nhất 03 sản phẩm được công nhận OCOP), Phòng đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký các sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện.

Cùng đó tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên trưng bày, giới thiệu tại các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, huyện; hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng OCOP…

Minh An (T/h)