Ngay từ những ngày đầu khi diễn biến dịch bắt đầu có chiều hướng diễn biến phức tạp tại TP. HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Vietsovpetro đã lên các kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn phòng dịch cho cán bộ nhân viên, người lao động, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất; đặc biệt trong đó là chú trọng khâu chỉ đạo điều hành và hậu cần nhu yếu phẩm, vật tư thiết bị trọng yếu cho các công trình, không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như chuẩn bị nhân lực, vật lực cần thiết cho các yêu cầu về y tế và an toàn phòng chống dịch.

Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm
Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm.

Đối với các cán bộ nhân viên, người lao động vận hành, sửa chữa, nhóm dự án làm việc trên các công trình biển, ngay từ đầu tháng 7, Vietsovpetro đã kích hoạt trở lại việc tạm lùi thời hạn đổi ca từ 3 tuần thành 4 tuần để có thời gian chuẩn bị cho công tác an toàn phòng chống dịch. Tất cả cán bộ nhân viên, người lao động trước khi ra công trình biển được Vietsovpetro tổ chức cách ly trong vòng 7 ngày, lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro và một số khách sạn tại TP Vũng Tàu. Mỗi người được lấy mẫu xét nghiệm PT-PCR 3 lần trong quá trình cách ly (mẫu 1 trước khi vào khu cách ly, mẫu 2 vào ngày thứ ba, mẫu 3 vào ngày trước ngày đổi ca). Các cán bộ công nhân viên từ công trình biển về bờ, nếu không có chỗ ở tại TP Vũng Tàu do gia đình ở các địa phương khác, không thể về nhà cũng được đơn vị hỗ trợ nơi ăn ở tại TP Vũng Tàu trong thời gian nghỉ ca. Đến nay, Vietsovpetro đã hoàn thành gần như 100% lượt đổi ca cho hơn 2.800 cán bộ công nhân viên công tác trên các công trình biển.

Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, an toàn, đối với hoạt động sản xuất trên các công trình bờ, 100% các đơn vị thành viên của Vietsovpetro vẫn duy trì hoạt động bình thường trong suốt thời gian áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều hình thức tùy theo đặc thù của đơn vị, như sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, chia lịch làm việc 50% tại đơn vị để giảm thiểu tiếp xúc, làm việc online từ xa. Vietsovpetro kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào các trụ sở, công trình theo yêu cầu của Bộ Y tế như 5K, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, tổ chức điểm tiếp khách tách biệt với các phòng ban,…

Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, có tổng cộng 5 đơn vị của Vietsovpetro áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, với tổng số 513 cán bộ công nhân viên Vietsovpetro và nhân viên nhà thầu, chủ đầu tư. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất như chỗ ăn ở, sinh hoạt được các cấp lãnh đạo cùng với công đoàn cùng cấp tổ chức chu đáo, đáp ứng yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cũng như của Bộ Y tế về công tác an toàn phòng chống dịch. Các bộ phận “3 tại chỗ” được chia nhỏ ra làm nhiều tổ, sinh hoạt và làm việc độc lập, tách biệt để hạn chế tối đa các tiếp xúc. Các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng được cung cấp bởi nhà thầu dịch vụ PETROSETCO 3 bữa mỗi ngày; thực phẩm được chế biến ngay tại bếp ăn nằm trong căng-tin thuộc đơn vị của Vietsovpetro nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn phòng dịch cao nhất. Tất cả cán bộ nhân viên, người lao động tại các điểm “3 tại chỗ” được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần để bảo đảm phát hiện sớm nhất khi có ca nhiễm. Vietsovpetro cũng lên phương án cán bộ công nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu không may trở thành F1 sẽ được bố trí cách ly tại các khách sạn bảo đảm điều kiện sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe, có thể vừa cách ly vừa làm việc online từ xa, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến các nhiệm vụ sản xuất.

Đối với cán bộ nhân viên, người lao động không thực hiện “3 tại chỗ”, Vietsovpetro bố trí các tuyến xe đưa rước theo nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến”, bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại các khu vực sản xuất. Các trường hợp khác được cấp giấy xác nhận di chuyển vì nhu cầu sản xuất theo quy định của UBND TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vietsovpetro cũng tiến hành phân loại mức độ nguy cơ lây nhiễm đối với từng nhóm cán bộ nhân viên, người lao động, từ đó xác định tần suất và xác suất lấy mẫu xét nghiệm định kỳ để bảo đảm phát hiện sớm nhất các nguy cơ lây lan dịch bệnh từ xa, từ sớm.

Cán bộ Trung tâm Y tế Vietsovpetro lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại cảng Vietsovpetro
Cán bộ Trung tâm Y tế Vietsovpetro lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại cảng Vietsovpetro.

Trong thời gian dịch bệnh bắt đầu chuyển biến phức tạp hơn, Ban lãnh đạo Vietsovpetro đã tăng cường bám sát, chỉ đạo sát sao các vấn đề phát sinh bất kể ngày đêm, tạo mọi điều kiện giúp cán bộ nhân viên, người lao động vững tâm bám trụ cơ sở, duy trì sản xuất ổn định. Nhờ đó, thu nhập, lương thưởng của cán bộ nhân viên, người lao động Vietsovpetro không bị suy giảm, trong bối cảnh rất nhiều đơn vị, ngành nghề khác đang phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm nhân sự, thậm chí là tạm dừng hoạt động... Đây cũng chính là nguồn động viên lớn góp phần tiếp thêm năng lượng, động viên tinh thần vừa chống dịch, vừa sản xuất cho cán bộ nhân viên, người lao động Vietsovpetro.

Đối với lực lượng y tế của Vietsovpetro và những người tham gia tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, góp phần chăm sóc sức khỏe người lao động và nhân dân, thực hiện hàng chục nghìn lượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tiêm hàng chục nghìn mũi vắc xin bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng lao động ngành dầu khí trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo sự phân công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chính quyền địa phương, Công đoàn Vietsovpetro, Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có những khen thưởng, động viên kịp thời, thích hợp. Trong đó, Công đoàn Vietsovpetro hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên tuyến đầu phòng dịch với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, đồng thời trình Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng cho 3 tập thể, 18 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam.

Trên 1.100 cán bộ nhân viên, người lao động Vietsovpetro đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng đã được Công đoàn Vietsovpetro đề xuất lên Công đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ với tổng số tiền là 645 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn Vietsovpetro cũng hỗ trợ trả lương và miễn đóng Công đoàn phí cho các đơn vị bị ảnh hưởng nặng do dịch (Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, Trung tâm Văn hóa thể thao Vietsovpetro), đồng thời hỗ trợ thêm cho người lao động thu nhập thấp tại các đơn vị này. Các Công đoàn cơ sở thành viên đã cấp phát gần 73.000 khẩu trang vải, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động và gia đình tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và quy định 5K của Bộ Y tế trong sinh hoạt và làm việc, chung tay cùng với chính quyền nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo chăm lo sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động.

Những hoạt động có ý nghĩa, thiết thực và kịp thời kể trên đã góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nhân viên, người lao động, cũng như thể hiện sự quan tâm, gắn kết của lãnh đạo Vietsovpetro, lãnh đạo Công đoàn các cấp đối với  người lao động. Đáp lại tình cảm đó, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đều đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất kinh doanh và phòng dịch hiệu quả.

Anh Minh

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)