Thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường trong nước, trong đó có sự kiện khuyến mại quy mô lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp SXKD, phân phối trong các lĩnh vực, có thương hiệu, uy tín trên thị trường với nhiều hình thức mua sắm đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh SXKD, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở địa bàn nông thôn, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nhờ tham gia các hoạt động triển lãm, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được khách hàng biết và tin dùngNhờ tham gia các hoạt động triển lãm, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được khách hàng biết và tin dùng

Sau 6 năm thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động (CVĐ)“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, tại Vĩnh Phúc có 85% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã dần quen với sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng hàng ngày và các sản phẩm hàng Việt đang dần thay thế hàng nhập ngoại.

Hàng năm, Sở Công thương Vĩnh Phúc tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ SXKD về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu, kết nối cung - cầu; tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 1.500 tin, bài về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tuyên truyền trên bản tin, website của ngành.

Sở Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 17 phiên chợ bán hàng Việt về nông thôn và miền núi, mở 97 điểm bán hàng lưu động và 2 điểm bán hàng Việt cố định tại 2 huyện Sông Lô và Tam Đảo bằng ngân sách tỉnh.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm... đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Đồng thời, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, nhận biết tiềm năng của thị trường nội địa, từ đó mạnh dạn đầu tư hiện đại hoá dây chuyền sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng nhập ngoại, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn.

Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hằng năm sẽ tổ chức từ 5-10 hội chợ hàng Việt Nam trên địa bàn các huyện, thành phố và 10 - 15 phiên chợ bán hàng Việt, 15-30 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các khu dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, xây dựng được các điểm bán hàng Việt cố định, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng.

Ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra góp phần làm cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn....

Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội chợ, xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Hoan Nguyễn