“ Cầu nối ” giữa doanh nghiệp với người dân.

Thực hiện Thông báo kết luận số 264 –TB/TƯ ngày 31/07/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; và Thông tri số 06-TTr/TU ngày 19/01/2011 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc lãnh đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 17/03/2017 của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc, triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc 2017 .

Trong 06 tháng đầu năm dưới sự chỉ đạo của Sở Công Thương, Trung tâm Thông tin và XTTM đã phối kết hợp với các đơn vị tổ chức thành công hội chợ Hoa xuân và Hội chợ Thương mại - Du lịch Lễ Hội Tây Thiên 2017. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức 02 chương trình đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Lập Thạch, Sông Lô trong chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia 2017; 04 chương trình bán hàng Việt lưu động tại huyện Tam Đảo và thị xã Phúc Yên.

Với tính chất và nhiệm vụ đặc thù, thực hiện chức năng cung cấp thông tin kinh tế công nghiệp, thương mại, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại, ứng dụng phát triển thương mại điện tử. Trung tâm thông tin và XTTM tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thực hiện triển khai công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh công tác đưa “hàng Việt về nông thôn”. - Hình 1

Đông đảo người dân tham gia hộ chợ

Tăng cường vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp có cơ hội trao đổi thông tin, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Trung tâm đã hỗ trợ đoàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ tham gia các kỳ Hội chợ trong tỉnh và các tỉnh thành trong nước như: Hội chợ Hùng Vương Phú Thọ 2017; Hội chợ Liên Minh HTX Việt Nam 2017,... Qua đây giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng từ đó có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thông qua các chương trình đã dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, có tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương dễ dàng tiếp cận với hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với giá thành hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, đồng thời người tiêu dùng dần quen sử dụng hàng Việt, vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào ổn định thị trường nội địa, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đối với các DN sản xuất trong nước hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng, nhận biết tiềm năng của thị trường nội địa, từ đó mạnh dạn đầu tư dây truyền sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm, hàng hoá với chất lượng cao mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời giúp cho các doanh nghiệp thay đổi cách thức phân phối hàng hoá, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp với thị trường trong nước, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kính thích sức mua.

Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Vĩnh Phúc chia sẻ “ đơn vị khoán triệt ngay từ cán bộ công nhân viên, cùng với đó tuyên truyền sâu rộng đến người dân sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là biểu hiện lòng yêu nước, thực hành tiết kiệm, nét đẹp văn hoá trong tiêu dùng. Đồng thời biểu dương, khen thưởng các mô hình điển hình tiến tiến của các tổ chức, đơn vị sử dụng  hàng hoá nội địa khi thực hiện mua sắm công, cần phê phán tâm lý xem thường hàng nội, sính hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng”.

“ Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, không ngừng cải tiến công nghệ và dây truyền sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và củng cố thương hiệu của mình, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng ”. Ông Chính nhấn mạnh. 

Trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Công thương Vĩnh Phúc cùng các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền vận động thực hiện tốt hơn nữa chương trình “ Đưa hàng Việt về nông thôn”. Tăng cường công tác tổ chức các hội chợ, các phiên chợ, các chương trình đưa hàng Việt,  tổ chức các điểm bán hàng lưu động về nông thôn, miền núi các khu dân cư tập trung và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với hàng Việt và dần thay đổi thói quen trong tiêu dùng.

 Tuấn Anh – Long Trần