Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp thiết lập, phát triển kênh phân phối, đưa hàng Việt nói chung và sản phẩm, hàng hóa địa phương nói riêng đến người tiêu dùng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tại hội nghịhội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Trong năm 2020, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tập trung vào các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt, tổ chức các hội chợ công - nông - thương mại tại các huyện, các đợt bán hàng lưu động theo chương trình bình ổn giá của tỉnh... Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, với hơn 1.200 vụ việc vi phạm bị xử lý.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động kết nối giao thương, tổ chức các phiên chợ, hội chợ hàng Việt, các buổi hội nghị, hội thảo chuyên đề... bị gián đoạn.

Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm hàng Việt, sản phẩm địa phương; đồng thời, thường xuyên kết nối các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng, các hoạt động giao thương trong và ngoài tỉnh, cũng như tập trung triển khai các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng Việt đến các nhà máy, khu công nghiệp, các điểm bán hàng Việt... vốn bị gián đoạn, chưa thể triển khai do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều chương trình khuyến mãi được Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc triển khai để kích cầu mua sắm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng
Nhiều chương trình khuyến mãi được Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc triển khai để kích cầu mua sắm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc, Phạm Hoàng nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động, thời gian tới Ban chỉ đạo, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai cuộc vận động; tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu, uy tín.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực, hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Phạm Hoàng cũng cho biết thêm, công tác hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường cho hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng là những nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần khuyến khích các giải pháp mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Việc hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm là giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh nhiều DN trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc hỗ trợ cần đánh giá kỹ các tiêu chí về chất lượng, thế mạnh của sản phẩm, xây dựng cầu nối với các kênh phân phối, nhất là hoạt động kết nối, để đưa vào hệ thống siêu thị với cơ chế thu mua, quảng bá sản phẩm phù hợp. Bởi trên thực tế, hiện nay, siêu thị vẫn là một trong những kênh quảng bá tốt nhất dành cho doanh nghiệp...

Ngoài ra, với sự phát triển công nghệ và sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử, cần có thêm những chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận với ứng dụng công nghệ mới, hiểu rõ về những mặt tích cực, hạn chế trong hoạt động thương mại điện tử... Theo đó, các cơ quan chức năng định hướng, tổ chức hội thảo chuyên đề với chủ đề thương mại điện tử và tiêu dùng bền vững; mở rộng các kênh phản hồi, tổng đài để người tiêu dùng phản ánh những ý kiến, thắc mắc liên quan đến gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường nắm bắt xu hướng, hành vi mua sắm mới nhất của người tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, thúc đẩy mua sắm.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc, các thành viên Ban Chỉ đạo cần phối hợp rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, lựa chọn nhóm doanh nghiệp, lĩnh vực cần có sự trợ giúp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện cho DN củng cố, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết với các đối tác quốc tế...

Hoan Nguyễn