Mỏ đá Tam Quan đã phải dừng hoạt động vì người dân chặn không cho xe hàng ra vào
Mỏ đá Tam Quan thuộc Công ty CP chế biến XNKKS Vĩnh Phúc đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 8/2015 vì một số người dân ngăn cản, chặn không cho xe của doanh nghiệp ra vào để chở hàng. Hành vi này đã khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế, mất uy tín đối với đối tác vì không thể cung cấp hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động của mỏ đá Tam Quan, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của các sở Tài nguyên & Môi trường, Công an, Tư pháp, Thanh tra tỉnh, UBND huyện Tam Đảo và xã Tam Quan. Sau khi nghe các đơn vị trình bày và cho ý kiến về thực trạng hoạt động của mỏ đá, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ngày 12/01/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 311/UBND-NN5 về việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc tại mỏ đá Tam Quan.
Đến ngày 16/5/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản chỉ đạo số 3448/UBND-NN5 về việc chuẩn bị nội dung trả lời người dân liên quan đến việc khai thác mỏ đá Tam Quan của Công ty CP chế biến XNKKS Vĩnh Phúc.
Sau khi có văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 30/5/2017, Sở Tài nguyên & Môi trường Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1197/STNMT-TTr tổng hợp kết quả trả lời kiến nghị của công dân thôn Làng Mấu, xã Tam Quan với 3 nội dung lớn liên quan đến những phản ánh của người dân và quá trình chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với nội dung người dân phản ánh về tình trạng nổ mìn khai thác đá, văn bản số 1197/STNMT-TTr đã dẫn báo cáo của Sở Công thương số 469/SCT-KTATMT ngày 22/5/2017. Theo báo cáo của Sở Công thương, với khối lượng sử dụng vật liệu nổ (VLN) tại thời điểm là 30kg thì khoảng cách an toàn về chấn động là 26,1m; về sóng đập không khí là 31,07m; về đá văng là không có (nổ mìn om nứt đá).
Ngày 19/5/2017, Sở Công thương phối hợp cùng UBND xã Tam Quan, đại diện thôn Quan Nội và các công ty tiến hành xác định khoảng cách từ khu vực nổ mìn (moong khai thác), vị trí công ty đã thực hiện nổ mìn tới các công trình là của nhà dân xung quanh cho thấy: khoảng cách gần nhất đến nhà ông Triệu Văn Bình là 39m; đến tường rào nhà ông Dương Văn Toàn là 116m (tính từ cuối moong khai thác là 60,5m); đến nhà ông Phan Văn Tài là 42m (được ngăn cách bởi tường rào cao 3,8m).
Trong quá trình sử dụng VLN, công ty chấp hành nghiêm chỉnh về việc bổ nhiệm chỉ huy nổ mìn, lập thiết kế, phương án nổ mìn; Lập và thực hiện quy trình, thủ tục, hệ thống sổ sách theo yêu cầu của QCVN 02:2008 và thực hiện lập hộ chiếu nổ mìn theo quy định tại mục 6 – Thông tư 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 của Bộ Công Thương…
Về phân cấp quản lý đoạn đường từ TL 302 đến ngã ba rẽ vào mỏ đá (đoạn 1) và từ ngã ba đến mỏ đá Tam Quan (đoạn 2), UBND huyện Tam Đảo đã xác định đoạn 1 là đường trục xã, đoạn 2 là đường trục thôn. Theo phân cấp quản lý, 02 đoạn đường trên là hệ thống đường giao thông nông thôn cấp xã và trực tiếp do UBND xã Tam Quan quản lý, khai thác và sử dụng.
Được biết, trước đó, Công ty CP Khoáng sản Vĩnh Phúc đã trả toàn bộ số tiền làm đường đối với đoạn đường số 1 nêu trên và cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu đoạn đường này bị hư hỏng do xe vận tải đi qua.
Đối với kiến nghị về môi trường, công ty đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác đá granit làm VLXD thông thường tại mỏ thôn Gò Gai, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo và được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại quyết định số 4711/QĐ-CT ngày 22/12/2008; Đề án cải tạo, phục hồi môi trường được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 575/QĐ-CT ngày 3/3/2011; đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.
Đối với 03 mẫu nước (nước giếng đào) của 3 hộ sinh sống gần mỏ đá và 01 mẫu nước mặt trong khu vực mỏ đá, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam đã tiến hành phân tích. Kết quả cho thấy thuốc nổ TNT (không tan trong nước) không có trong cả 04 mẫu nước. Không có sự khác biệt về sự ảnh hưởng của khu vực nổ mìn và nước của các giếng, các chỉ tiêu (NO2-, NO3-, NH4+) đều dưới mức cho phép của quy chuẩn quốc gia.
Đối với khu vực nhà xưởng chế biến khoáng sản, Sở TN&MT yêu cầu công ty phải lập đề án bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiếng ồn, xử lý bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Về nội dung này, Công ty CP Khoáng sản Vĩnh Phúc đã xin chuyển nhà xưởng ra khu vực ngoài mỏ để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đề nghị này đã xin ý kiến và được một số Sở có liên quan chấp thuận và đang chờ kết luận cuối cùng của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể thấy, việc ban hành văn bản số 1197/STNMT-TTr của Sở TN&MT Vĩnh Phúc là việc làm cần thiết, hướng tới giải quyết triệt để những thắc mắc của người dân và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn.
Long Trần