Việc xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao làng văn hóa kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng, nhưng chỉ là điểm khởi đầu. Để người dân thực sự được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, môi trường sống ngày càng được nâng lên, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai thành công cả 14 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó:

Hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất, dịch vụ, thương mại, tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân;

Nâng cao năng lực của bộ máy trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Đồng thời, nhân dân cần có trách nhiệm vun đắp, gìn giữ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc dựa trên mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, cộng đồng dân cư; chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế, gìn giữ, bồi đắp các giá trị văn hóa của làng, của thôn, gìn giữ bản sắc bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xóm.

Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân
Chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân

Vừa qua, ngày 28/8, Ban Chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức khánh thành Khu thiết chế văn hóa, thể thao làng văn hóa kiểu mẫu - Tổ dân phố (TDP) Tam Quang, thị trấn Gia Khánh. Trước đó, ngày 27/8, Khu thiết chế văn hóa thể thao làng Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc cũng đã khánh thành, chào mừng 78 năm Quốc khánh 2/9.

Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, đối với các thiết chế văn hóa vừa khánh thành cần có quy chế vận hành hiệu quả và có biện pháp giám sát, quản lý khai thác, sử dụng đúng mục đích góp phần phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, rèn luyện sức khỏe của nhân dân địa phương. Đối với người dân, cần phải chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các cơ hội để phát triển kinh tế, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, đồng thời chung tay đóng góp xây dựng cộng đồng dân cư… để mỗi Làng văn hóa kiểu mẫu thực sự là nơi đáng sống.

Trong giá trị cốt lõi của con người Vĩnh Phúc và khát vọng xây dựng những làng quê có cơ sở hạ tầng hiện đại, cảnh quan kiến trúc khang trang, người dân có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Kinh tế các hộ gia đình phát triển, thu nhập được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao; để làng quê không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi cân bằng cảm xúc, môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên, với những tập tục, hương ước, quy ước tiến bộ mà người dân tự giác thực hiện.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận rất cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân ngay từ khi triển khai nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, chính sách và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

Chính vì vậy, Đề án thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, xác định lộ trình hoàn thành trong 3 năm, nhưng đến nay, chỉ sau 9 tháng triển khai, đã có nhiều địa phương đã hoàn thành từ 5 đến 7 tiêu chí trong tổng số 14 tiêu chí.

Đề án cũng xác định, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu - là sự nghiệp của toàn dân; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; người dân đóng vai trò là chủ thể - vừa là lực lượng thực hiện vừa là người thụ hưởng thành quả; Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, trụ đỡ với hệ thống 16 chính sách hỗ trợ, đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua.

Đức Nam