Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán DSC nhận định: Chỉ số VNIndex đạt 1.252,73 điểm (-0,15% DoD), với động lượng thanh khoản gia tăng, giá trị giao dịch đạt 26.100 tỷ (+15,5% DoD). Thị trường hãm phanh trên vùng giá cao, áp lực cung bung ra sau khi vượt qua vùng cản trung hạn là diễn biến cung/cầu hết sức bình thường. Trạng thái tích lũy đi lên chiếm ưu thế hơn.
Dòng tiền lan tỏa sang nhóm Midcap trong phiên hôm nay. Điểm đáng tiếc nhất là sự luân chuyển dòng tiền thiếu tính đồng thuận (yếu tố sóng ngành); chỉ có đơn lẻ một số mã trong ngành ghi nhận tín hiệu bứt phá như tại nhóm BĐS (NLG, KDH), nhóm Chứng khoán (SSI, FTS),...
Theo đánh giá của chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến giằng co và thăm dò có thể tiếp diễn trong phiên giao hôm nay 01/03, nhưng dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần tăng trở lại nhờ tín hiệu tăng vượt cản trước đó.
VDSC cho rằng, thị trường đang có diễn biến tranh chấp sau 03 phiên tăng điểm và vượt ngưỡng 1.250 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung chốt lời gia tăng khi thị trường tăng nhanh, tuy nhiên dòng tiền vẫn còn động lực hỗ trợ khi thị trường lùi bước.
Diễn biến giằng co và thăm dò có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần tăng trở lại nhờ tín hiệu tăng vượt cản trước đó. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
Chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích: Các nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng những phiên rung lắc của thị trường để cơ cấu lại danh mục, gia tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang có dấu hiệu thu hút dòng tiền như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ. Sự rung lắc là thời điểm để mở vị thế mua thăm dò.
Áp lực bán gia tăng khiến điểm số biến động theo chiều hướng giảm trong phiên chiều 29/02. Kết thúc ngày giao dịch 29/02, VN-Index giảm 1,82 điểm (-0,15%) về 1.252,76 điểm, trong khi HNX và UPCoM tăng nhẹ lên 235,46 điểm và 90,57 điểm.
Hải Dương (t/h)