Có thể nói, việc phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở Xuyên Á, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP. HCM, nhất là ở khâu giết mổ.

Cơ quan chức năng cũng đã hoàn tất hồ sơ, xử lý các lò mổ theo luật định. Toàn bộ số heo 3.750 con (khoảng 9 tỷ đồng) cũng đã đưa đi xử lý tiêu huỷ (kinh phí tiêu huỷ khoảng 8 tỷ đồng).

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần - Bài 8: Lỗ hổng đang nằm ở đâu? - Hình 1

3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần được phát hiện tại cơ sở Xuyên Á

Có sự phân cấp không rõ ràng trong quản lý

Quy trình chặt chẽ về mặt lý thuyết, song thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng thịt heo an toàn cung ứng ra thị trường vẫn không đảm bảo. Mà cụ thể là vụ khoảng 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á - lò mổ lớn nhất TP. HCM - vừa được các cơ quan chức phát hiện.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, chỉ khi giai đoạn giết mổ rồi cung ứng ra thị trường đều quy về một mối mới chặn đứng tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần.

Bà Lan cho hay, việc quản lý ATTP tại thành phố hiện có sự phân cấp. Ở giai đoạn heo giết mổ, trách nhiệm quản lý thuộc Chi cục Thú y (sở NN&PTNT). Còn khi thịt heo ra đến chợ đầu mối, đến bếp ăn của người dân thì thuộc trách nhiệm của ban ATTP.

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần - Bài 8: Lỗ hổng đang nằm ở đâu? - Hình 2

Chỉ quét vào mã vạch trên miếng thịt thì tất cả những thông tin sẽ được hiển thị

TS. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM - đơn vị cung cấp ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo cho rằng: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thịt heo, thực ra là công cụ để người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, quan trọng nhất vẫn là vai trò của Ban ATTP và bên thú y, những đơn vị kiểm soát, kiểm tra trực tiếp thực phẩm. Ngoài ra, với quy trình truy xuất thịt heo, chúng ta sẽ biết sản phẩm bị lỗi ở khâu nào? Bị can thiệp như thế nào mà từ đó khoanh vùng để xử lý”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương thông tin, do các thương lái không đăng ký kinh doanh nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Khi bị cơ quan chức năng xử phạt, họ thường nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng để khỏi bị tính tái phạm. 

Ông Hòa nói: “Trước đây, thương lái hành nghề tự do, họ mua heo, đưa vào lò giết mổ rồi đưa ra chợ bán. Nay TP. HCM định hướng các thương lái phải có đăng ký kinh doanh, phải có pháp nhân để chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Kế đến, các pháp nhân này phải tham gia vào chuỗi truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, trước đây chúng ta vận động họ trên tinh thần tự nguyện. TP. HCM sẽ không chấp nhận những thương lái hành nghề một cách tự do như từ trước tới nay. Các lò mổ, chợ đầu mối sẽ buộc chỉ ký hợp đồng với các thương lái có đăng ký kinh doanh và tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc”.

Nếu cơ quan thú y giám sát chặt chẽ thì không có lỗ hổng?

Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần - Bài 8: Lỗ hổng đang nằm ở đâu? - Hình 3

Kiểm soát chất lượng thịt heo an toàn khi ra thị trường

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nêu: “Theo quy trình kiểm soát giết mổ, các cán bộ kiểm soát, nhất là cán bộ thú y phải giám sát từ chuồng trại đến kiểm dịch. Trong quá trình vận chuyển hoặc lúc tập trung heo để giết mổ, đều có thể xảy ra việc tiêm thuốc.

Vì thế, chúng ta sẽ phải kiểm tra mẫu bằng cách lấy 1 mẫu thịt, 1 mẫu nội tạng từ các lò mổ. Nếu sản phẩm có tồn dư chất cấm thì sẽ truy xuất lại xem nó bắt nguồn từ khâu nào, sai phạm ở đâu xử lý ở khâu đó. Nếu cơ quan thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ, làm “tròn vai” thì không có lỗ hổng để lò mổ trục lợi".

Ông Dương khẳng định: “Đeo vòng truy xuất cho heo, tiến hành theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến thu mua, giết mổ và bán ra thị trường là cách làm khoa học. Trong chuỗi liên kết đó, vai trò của những người tham gia vào quá trình này là phải tự kiểm soát lẫn nhau. Nhà nước chỉ phát hiện và kiểm tra, thanh tra, xử lý như vụ vi phạm vừa rồi.

Khi heo được đeo vòng thì cơ quan chức năng có thể giám sát, truy ngược lại được rủi ro ở khâu nào, giai đoạn nào (ở trại hay ở lò mổ). Cán bộ kiểm dịch không làm tròn nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm”.

Để chấm dứt tình trạng nây, Bộ trưởng Bô NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị xử lý nghiêm cơ sở giết mổ và đối tượng liên quan về nguy cơ, tác hại của việc tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý theo trách nhiệm của mình.

Cao Diên – Hải Dương