Mặt dù đang có nhiều đơn vị quản lý, thế nhưng người dân TP. HCM vẫn chưa thể an tâm, với các sản phẩm thịt, khi mà hàng chục lò giết mổ vẫn còn vi phạm về an toàn thực phẩm, vụ phát hiện cơ sở Xuyên Á được phát hiện bởi cơ quan liên ngành Trung ương, khiến dư luận đặt câu hỏi là lâu nay việc kiểm tra, giám sát giết mổ từ các ban ngành ở 24 quận huyện trên địa bàn TP. HCM đã được diễn ra như thế nào, và lỗ hỏng nào khiến cho thực phẩm bẩn vẫn còn tuồn ra thị trường?
3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần được phát hiện tại cơ sở Xuyên Á
Cố tình vi phạm, là hành vi vi phạm pháp luật
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm - đơn vị đã tham mưu cho UBND TP. HCM ban hành chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ 3.750 con heo được xác định đã tiêm thuốc an thần, khẳng định việc tiêu hủy cần phải làm. Nếu chỉ phạt từ 30-35 triệu đồng/trường hợp rồi nhốt heo chờ thải hết thuốc thì việc xử lý “như gãi ngứa”. Phải tiêu hủy số heo thì thiệt hại về kinh tế của thương lái mới nặng nề, ngăn ngừa được tái phạm.
“Trong việc tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần, chúng ta không nên sa vào cuộc chiến pháp lý vì việc này là đúng. Trước đây tại TP. HCM, Chi cục Thú y đã phát hiện tình trạng tiêm thuốc an thần và có đề xuất tiêu hủy heo. Hành vi tiêm thuốc vào cả ngàn con heo là cố tình, không phải là vô ý, việc thương lái thừa nhận hành vi không nên được xem là “thành khẩn khai báo” - bà Phong Lan nêu quan điểm.
Có 13/20 chủ lò giết mổ tại khu vực trên thừa nhận có tiêm thuốc an thần vào heo
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung phải thốt lên rằng tại hội nghị: “Phải xem vụ việc lần này là một tội ác, không thể chấp nhận việc tiếp tay cho tội ác”.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Một lãnh đạo Chi cục Thú ý TP. HCM viện giải với báo chí rằng: “Thực tế cho thấy không phải nhân viên thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á giám sát các đối tượng tiêm thuốc an thần mà chính các đối tượng này giám sát nhân viên thú y. Do vậy, nhân viên thú y khó phát hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho heo”.
Dụng cụ tiêm thuốc an thần vào heo được cơ quan chức năng phát hiện tại lò mổ
Nghe qua, có vẻ cán bộ thú y vô can trong vụ việc này, bởi cán bộ thú y bị các đối tượng “giám sát”. Tuy nhiên, suy cho cùng thì cán bộ thú y không thể vô can được. Kiểm tra thực tế, cán bộ thú y đã lơ là nhiệm vụ. Tại lò mổ, hầu hết heo được tiêm thuốc an thần công khai, vứt chai lọ, thuốc ngay tại cơ sở. Chứng tỏ là cán bộ chuyên ngành thú y được giao quản lý khu vực, địa bàn có lò giết mổ lớn như vậy lại không làm tròn trách nhiệm của một cán bộ quản lý trong việc kiểm tra, giám sát, để cho các đối tượng tự tung tự tác tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con heo..
Đó là chưa kể đến việc các bộ thú y phụ trách quản lý địa bàn, khu vực lò mổ Xuyên Á có tiêu cực hay không? Cũng cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý đến nơi đến chốn.
Đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự?
Bà Phan Thị Việt Thu – Phó chủ tịch Hội Người tiêu dùng TP. HCM nói: “Tất cả biện pháp về hành chính thì tôi cho rằng thường không có hiệu quả, những trường hợp gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến hoặc thực phẩm nuôi trồng, chỉ cần phát hiện chất độc ảnh hưởng đến sức khoẻ thì nên đưa vào hình sự”.
Luật sư Phạm Duy Hiển, Văn phòng Luật sư Phạm Duy cho biết, hành vi này không đơn thuần là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm mà thực chất đang gây hại đến sức khoẻ cộng đồng: “Theo tôi thì không cần phải định tính bây giờ nó gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ mà là định lượng là người sản xuất sử dụng những chất cấm nghiêm trọng mà nhà nước đã cấm, mà vẫn cố tình sử dụng. Định lượng ở đây là số lượng lớn thì phải khởi tố vụ án”.
Luật sư Phạm Duy Hiển, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Duy
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Lập, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: “Nếu chỉ phạt từ 30-35 triệu đồng/trường hợp là chưa tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội mà hành vi trên mang lại. Cần xác định đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu của tội phạm quy định tại điều 244 Bộ Luật Hình sự (tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm). Gần 4.000 con heo bị tiêm với một lượng thuốc mà qua giám định, xác định được sự ảnh hưởng của lượng thuốc đã tiêm vào heo tác động đến sức khỏe con người theo mức độ quy định thì đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự ở cấu thành cơ bản. Truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đủ sức răn đe xã hội” - luật sư Lập nói.
Dư luận cho rằng, điều mà người dân cần nhất hiện nay là chất lượng thịt heo đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn, không có thuốc an thần, không có chất tạo nạc hay những chất độc hại khác. Trong khi đó, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo đang được thành phố triển khai suốt mấy tháng nay, chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin về cơ sở chăn nuôi đến lò giết mổ, tức chưa quản lý được chất lượng thịt heo có an toàn hay không.
Cao Diên – Lưu Bình