Sáng nay, 26/10/2018, nhiều cư dân sống tại chung cư này đã tập trung tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group ( Số 19 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) để tiếp tục “hành trình” đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Vụ “ôm” quỹ bảo trì tại chung cư Star City: Sẽ gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra - Hình 1

Nhiều cư dân tập trung căng băng rôn tại trụ sở Công ty cổ phần Tập Đoàn Đại Dương (Ocean Group) số 19 Nguyễn Trãi

Sẽ gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra

Theo đơn kêu cứu của Ban quản trị Chung cư Star City Lê Văn Lương, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư & Thương mại Vneco Hà Nội (gọi tắt là Vneco) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Gọi tắt là OGC) đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hoàn trả kinh phí bảo trì tòa nhà chung cư Star City có địa chỉ tại số 81 Lê Văn Lương, Hà Nội cho Ban quản trị.

Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Thị Cẩm Vân, đại diện BQT chung cư Star city cho biết:

“Cư dân chúng tôi vô cùng bức xúc về việc Vneco và OGC chiếm dụng trái phép quỹ bảo trì của cư dân, hiện nay sau 4 năm sinh sống tại tòa nhà, tòa nhà đã xuống cấp, thang máy thường xuyên hư hỏng, có thời điểm bị rơi… mà chúng tôi không có kinh phí để sửa chữa”.

Vụ “ôm” quỹ bảo trì tại chung cư Star City: Sẽ gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra - Hình 2

Bà Đinh Thị Cẩm Vân, đại diện BQT chung cư Star city cho biết sẽ gửi đơn tố giác tội phảm tới cơ quan điều tra

“Tính đến thời điểm hiện tại, lẽ ra số tiền mà cư dân chúng tôi được nhận chưa bao gồm tiền lãi rơi vào khoảng 30 tỷ, nhưng họ mới chỉ bàn giao cho chúng tôi được hơn 2,4 tỷ, việc không được nhận số tiền trên khiến chúng tôi vô cùng khó khăn trong công tác bảo dưỡng các hạng mục.  

Cụ thể cách đây khoảng hơn 1 tuần, một cô sống ở tầng 25 của tòa nhà đã bị rơi trong thang máy từ tầng 24 xuống tầng 7, mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhưng ai dám chắc sau này tình trạng trên không còn diễn ra và tính mạng cư dân, ai dám đứng ra đảm bảo?” - bà Vân bức xúc.

Cũng theo bà Vân: Việc này đã diễn ra từ rất lâu, thế nhưng chủ đầu tư tỏa ra khá thờ ơ cũng như coi thường pháp luật, bởi không chỉ có cư dân chúng tôi phản ánh, mà còn có đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng xuống kiểm tra 2 lần và kết luận họ phải trả phí bảo trì cho cư dân trước ngày 15/5 và sau đó gia hạn 1 lần đến 31/5, nhưng họ vẫn không thực hiện. Chúng tôi đã gửi lại báo cáo cho đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng cũng như gửi lên UBND Thành hố, UBND quận…Thế nhưng, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi, họ vẫn không trả tiền cho cư dân. Họ vẫn bảo bao giờ tòa nhà hoàn công thì trả tiền.

“Sắp tới, cư dân chúng tôi sẽ gửi đơn tố giác tội phảm tới Cơ quan điều tra đối với ông Lê Khả Hưng, CT HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Vneco và ông Lê Quang Thụ, CT HĐQT đồng thời là người đại diện theo pháp luật của OGC về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và coi thường pháp luật”, bà Vân cho biết.

Cư dân ròng rã đòi quỹ bảo trì

Theo đơn phản ánh của cư dân sống tại tòa nhà Star City, hiện nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội”) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hoàn trả kinh phí bảo trì tòa nhà chung cư Starcity ở số 81 Lê Văn Lương (Hà Nội) cho Ban quản trị.

Vụ “ôm” quỹ bảo trì tại chung cư Star City: Sẽ gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra - Hình 3

Đây là lần thứ 3 cư dân Star City xuống đường căng băng rôn đòi lại phí bảo trì

Theo quy định tại Điều 36 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 thì, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ban quản trị có văn bản đề nghị chuyển giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua.

Ngày 31/10/2017, Ban quản trị đã gửi văn bản (lần 1) đề nghị Vneco và Tập đoàn Đại Dương chuyển giao kinh phí bảo trì, nhưng Vneco và Tập đoàn Đại Dương đều không nghiêm chỉnh thực hiện. Ngày 29/11/2017, Ban quản trị tiếp tục gửi văn bản (lần 2) đề nghị Vneco và OGC chuyển giao kinh phí bảo trì, tuy nhiên đến nay đã quá thời hạn bàn giao theo quy định nhưng chủ đầu tư vẫn không bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì?

Vụ “ôm” quỹ bảo trì tại chung cư Star City: Sẽ gửi đơn tố giác tới cơ quan điều tra - Hình 4

Cư dân bức xúc, nhưng OceanGroup cố tình không xuống gặp dân?

Đến nay, Vneco mới bàn giao một phần phí bảo trì trị giá: 2.455.194.977 đồng cho Ban quản trị. Phần phí bảo trì còn lại trị giá hàng chục tỷ đồng đang bị Vneco và Tập đoàn Đại Dương chiếm dụng và không bàn giao đầy đủ cho Ban quản trị. Cụ thể:

Toàn bộ phần căn hộ từ tầng 6 đến tầng 27, Vneco đã chuyển nhượng cho Tập đoàn Đại Dương, sau đó Tập đoàn Đại Dương bán cho các cư dân và thu 2% kinh phí bảo trì từ các căn hộ đã bán. Tại Công văn nhận nợ số 086/2018/CV-OGC ngày 17/05/2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại dương gửi Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội và Ban quản trị tòa nhà Starcity Lê Văn Lương có nêu: Tổng số tiền kinh phí bảo trì Tập đoàn Đại Dương đã thu của khách hàng là 17.985.504.598 đồng, tổng số tiền kinh phí bảo trì đã chuyển cho Vneco là 1.837.045.144 đồng.

Như vậy, tổng số tiền Tập đoàn Đại Dương đã thu của khách hàng nêu trên,Tập đoàn Đại Dương và Vneco phải liên đới chịu trách nhiệm và phải hoàn trả cho Ban quản trị.

Phần diện tích còn lại gồm phần khối đế từ tầng 1 đến tầng 4 đã cho thuê và tầng 5 (Vneco đã bán 1 phần và phần còn lại là tài sản của Vneco). Theo quy định tại Điều 36 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua.

Tại Biên bản kiểm tra (lần 2) về công tác quản lý sử dụng nhà chung cư số 29/BB-ĐKT của Đoàn kiểm tra – Sở Xây dựng Hà Nội có kết luận: “Đến nay Chủ đầu tư đã bàn giao 2.455.194.977 đồng trên khoảng 30 tỷ đồng phải bàn giao cho Ban quản trị”.

Ban quản trị đã nhiều lần gửi công văn tới lãnh đạo Vneco và Tập đoàn Đại Dương - yêu cầu hoàn trả đầy đủ kinh phí bảo trì theo quy định. Nhưng bên Vneco và Tập đoàn Đại Dương vẫn “chây ỳ” không bàn giao và có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì – là phần tài sản do Ban quản trị tòa nhà quản lý.

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho Ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư.Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, các luật sư cũng khẳng định, đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự. Người dân phải làm đơn lên cơ quan Công an. Công an sẽ tiến hành điều tra. Nếu như chủ đầu tư có tiền hoàn trả thì không sao, nhưng nếu như chủ đầu tư đã tiêu hết số tiền này thì rõ ràng chủ đầu tư đã phạm tội và buộc phải khởi tố hình sự.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Duy Thế