Sau hai bài phản ánh của Báo Thương hiệu & Công luận về việc bất cập thu thủy lợi phí tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tòa soạn nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của những người dân huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên. Cũng qua loạt bài này, nhiều người dân mới được biết đến việc Nhà nước đã miễn trừ thủy lợi phí cho họ. Từ ngạc nhiên, ngớ người vì khoản tiền họ phải đóng hàng chục năm trời nay, cho đến phẫn nộ vì cách làm của UBND xã Liên Nghĩa khi “ngồi trên luật”, để thu tiền của dân.
Nguồn nước tưới và đường Giao thông nội đồng được người dân tự bỏ tiền ra làm
Chính sách miễn trừ thủy lợi phí cho Nông dân đã được nhà nước triển khai hàng chục năm, nhưng người dân vẫn không hề hay biết, họ vẫn phải còng lưng, chắt bóp. Thậm chí những gia đình hộ nghèo phải đi vay lãi cao bên ngoài để có tiền đóng Thủy lợi phí cho xã, họ hoàn toàn không biết rằng, chính tiền phí mà hàng năm mình vẫn phải vay mượn, chắt chiu để đóng cho xã đã được nhà nước miễn, giảm. Bởi theo người dân, chính quyền có phổ biến đâu mà chúng tôi biết.
Giải thích về vấn đề trên, ông Lê Quang Huy kế toán HTX Liên Nghĩa cho rằng: “Chúng tôi đã triển khai về cho các Trưởng thôn, nhưng Trưởng thôn chưa kịp thông báo với nông dân, nên họ chưa biết”.
Khi phóng viên hỏi ngược lại, vậy tại sao hàng chục năm trời mà Trưởng thôn vẫn chưa đủ thời gian để thông báo, đưa chính sách của nhà nước về cho nông dân thì vị đại diện HTX này im lặng.
Trả lời báo chí, UBND xã Liên Nghĩa cho rằng việc lý do thu tiền thuy lợi phí của nông dân thực chất là “dịch vụ thủy lợi” như tiền nạo vét kênh mương, tiền làm đường giao thông nội đồng...
Tuy nhiên người dân đã “bóc trần” bản chất sự việc, theo đó khoản tiền mà UBND xã Liên Nghĩa thu trước nay đều được ghi rõ là Thủy lợi phí, đến khi người dân phản ứng về việc họ không cần nước tưới từ HTX mà họ tự túc được nên dân không nộp khoản tiền này, thì UBND xã và HTX đổi sang tên Thủy lợi phí thành “dịch vụ thủy lợi” để hợp thức hóa cho khoản thu mà xã đang triển khai.
Đường nội đồng người dân cũng phải tự bỏ kinh phí để đổ đá, kè đường
Trước sự việc trên, người dân hết sức bức xúc và đặt câu hỏi, liệu UBND xã và HTX có đang “lấp liếm” khoản hỗ trợ, cấp bù của nhà nước và khoản thu hàng năm từ những người nông dân trong xã. Bởi trên thực tế theo người dân phản ánh, những năm vừa qua, người dân ở đây đều tự bỏ tiền ra để làm đường giao thông nội đồng và con đường nội đồng đường đi sát vách của trụ sở UBND Liên Nghĩa được bê tông hóa cũng là người dân tự bỏ tiền túi và công sức ra để làm là một ví dụ.
Ông N.V.C cho biết: "Chúng tôi cũng đã đề xuất lên xã để xin một phần kinh phí để mua ống thoát nước chảy từ UBDN xã ra mương, thì chủ tịch xã Liên Nghĩa – Lý Xuân Minh bảo “làm gì có kinh phí”. Người dân cho biết, kinh phí để mua đường ống nước đó tầm khoảng 1 triệu đồng, nhưng hai lần vào xã xin, xã cũng không duyệt để cho, mặc dù nước đó là từ UBND xã chảy ra.
Còn con đường phía sau Trường cấp II xã Liên Nghĩa được dân tự làm, quyên góp theo đầu hộ, tổng kinh phí làm mà người dân phải bỏ ra 130 triệu đồng, người dân có đơn gửi lên xã để xin được hỗ trợ kinh phí, thế nhưng HTX chỉ hỗ trợ “1 triệu đồng” tiền mua cống thoát nước.
Người dân đặt câu hỏi, tại sao người dân đóng thủy lợi phí hay dịch vụ thủy lợi hằng năm mà không được xã hỗ trợ kinh phí, trong khi nhà nước vấn cấp bù về mỗi năm, vậy số tiền đấy xã để làm gì, chi vào đâu.
Ông N.V.T - một người dân tại thôn Bá Khê xã Liên Nghĩa bức xúc cho biết: “Xã tìm đủ mọi cách để op ép, thu cho bằng được tiền Phí thủy lợi, xã yêu cầu với những ai đã xuất ngũ trở về quê hương, muốn vào Hội cựu Chiến binh sinh hoạt, buộc phải nộp đầy đủ 100% tiền Thủy lợi phí mới được duyệt để vào. Hơn nữa, muốn vào tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách cũng phải nộp đầy đủ Thủy lợi phí”.
Ông N.V.T cũng cho biết thêm, con trai ông sau khi đi bộ đội, xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và đã được tách hộ ra ở riêng, khi lên UBND xã xin xác nhận để vay vốn Ngân hàng Chính sách phát triển kinh tế thì xã không ký xác nhận với lý do, ông N.V.T đang nợ tiền Thủy lợi phí của xã.
Điều đáng nói ở đây, mặc dù con trai ông N.V.T đã được tách khẩu riêng, là một hộ gia đình độc lập, không liên quan tới việc bố mình là ông T đang nợ Thủy lợi phí. Vậy tại sao xã vẫn lấy lý do đó làm sức ép, buộc ông T phải nộp Thủy lợi phí thì mới cho con trai ông vay vốn. Câu hỏi này xin dành cho các cấp chính quyền xã Liên Nghĩa và huyện Văn Giang trả lời người dân.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Phóng viên báo Thương hiệu & Công luận, ông Chu Quốc Hiệu – Chủ tịch UBND huyện Văn Giang ông thẳng thắn nêu quan điểm: “UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra, xác minh những gì mà báo chí và người dân phản ánh. Sau khi có kết luận về vụ việc, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật, quyết không dung túng và bao che bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào trong vụ việc nếu có sai phạm".
Báo Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Hồng Lĩnh