Như Thương hiệu & Công luận đã đưa tin, tuyến đê chắn sóng ven biển đoạn đi qua địa bàn các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa) vừa được đưa vào sử dụng chưa lâu những đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, xuống cấp nghiêm trọng, gây cản trở giao thông và hoang mang cho người dân khi mùa mưa lũ đang ngày một gần.
Tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng
Qua tìm hiểu được biết, đơn vị thi công tuyến đê chạy qua xã Đa Lộc là công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn (Có trụ sở tại Ninh Bình) và Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành (có trụ sở tại Thanh Hóa). Tuyến đê này mới được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016-2017 đến nay và vẫn trong thời gian bảo hành.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngọ Viết Thắng, hiện là Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hậu Lộc cho biết: “Khi đưa vào sử dụng từ năm 2016 - 2017 Công trình đó đã được thanh tra, kiển toán vào cuộc, xác minh xong. Hiện tại công trinh đã quyết toán và đưa vào sử dụng”.
“Để xảy ra sự cố nứt toác như vậy UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với nhau và thành lập đoàn cùng với hạt đê điều Hậu Lộc (là đơn vị trực tiếp tiếp nhận và quản lý tuyến đê này) xuống hiện trường đánh giá lại thực trạng” , ông Thắng nói.
Ông Ngọ Viết Thắng, hiện là Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hậu Lộc cho biết tuyến đê đã được thanh tra và kiểm toán vào cuộc
Cũng theo thông tin từ ông Thắng, “UBND huyện Hậu Lộc đã có văn bản gửi sở Nông nghiệp để xin hướng khắc phục. Đoạn đê bị nứt toác đó do 2 Công ty là Phúc Thành và Trường sơn thi công, trên cơ sở đó, huyện thành lập đoàn đánh giá thực tế, và có văn bản báo cáo sở vì công trinh này đã được thanh tra, kiểm tra rồi. Tổng vốn đầu tư sau quyết toán là 143 tỷ đồng”.
Trước đó, ông Vũ Văn Đỉnh – Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc cũng thông tin: “Đoạn đê bị nứt nghiêm trọng kéo dài gần 500m là do Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành có trụ sở tại Thanh Hóa thi công. Việc nhiều đoạn đê bị nứt toác như vậy có thể do nền đất yếu hoặc trong quá trình thi công không được lu lèn cẩn thận. Vì trước đây chân đê rất thấp vì được người dân lấy đất tại chỗ để đắp tạo thành con đê này".
Đại diện xã Đa Lộc cho biết trong quá trình thi công tuyến đê có thể không được lu lèn cẩn thận
Cũng theo thông tin từ ông Đỉnh, "Thời điểm tuyến đê vừa được bàn giao đã xuất hiện việc dạn nứt trên bề mặt, sau đó đã được đơn vị thi công đổ một lớp bê tông mới lên trên lớp mặt bê tông cũ có độ dày khoảng 5cm. Tuy nhiên, đê này được cải tạo từ nền đê cũ xây dựng từ trước nên trong quá trình đổ bê tông để sửa chữa bề mặt lại không đồng đều, có chỗ dày, chỗ mỏng và không đảm bảo độ dày theo yêu cầu” .
Tổng vốn đầu tư sau quyết toán lên tới 143 tỷ đồng
“Dù đơn vị thi công đã có những hành động trong việc tu sửa, gia cố lại đoạn đê, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ vì do nền đất cũ rất yếu nên đất bị sụt lún khiến lớp bê tông trên mặt đê bị rạn nứt. Trong khi đó xã đã đưa ra quyết định nghiêm cấm các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê nhưng mặt đê vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần xã họp, tiếp xúc cử tri đã báo cáo với cơ quan cấp trên. Huyện cùng với các nhà thầu đang tìm biện pháp để khắc phục sự cố”. ông Đỉnh nhấn mạnh.
Như vậy, theo thông tin từ đại diện BQLDA huyện Hậu Lộc và UBND xã Đa Lộc thì tuyến đê này bị hư hỏng là do đơn vị thi công đã không thực hiện biện pháp gia cố nền, không lu lèn cẩn thận để công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì đã nứt toắc.
Trước sự việc trên, dư luận bức xúc đặt ra nhiều nghi vấn về việc có hay không việc thi công ẩu, rút ruột công trình, thi công sai thiết kế… của các đơn vị thi công? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến UBND Tỉnh Thanh Hóa, UBND Huyện Hậu Lộc và các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua đó đề nghị các cơ quan tỉnh vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm và có hướng khắc phục tình trạng trên.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Duy Thế - Lê Nam