Cụ thể, đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp đối mặt nỗi lo thiếu nguyên vật liệu khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vừa công bố có hơn 90% lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại quốc gia này đã trở lại làm việc. Do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi một phần.
Hiện các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu (đường biển hoặc đường hàng không) nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó về thị trường xuất khẩu do Covid-19
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương lo rằng việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Trung Quốc dự kiến vẫn chưa thể thuận lợi như trước đây, do cả 2 quốc gia đều vẫn đang tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới, trong khi việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không sẽ làm tăng chi phí và khó bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất như việc vận chuyển qua đường bộ.
Hết tắc nguyên liệu từ Trung Quốc, lại xuất hiện nỗi lo khác nghiêm trọng hơn. Cuối tháng 3/2020, sau khi nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc cơ bản được phục hồi, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và Hoa Kỳ, khiến các nước này phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế này cùng với tâm lý lo ngại về dịch bệnh, cắt giảm chi tiêu để lo phòng chống dịch dẫn đến nhu cầu mua sắm giảm mạnh.
Điều này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ. Năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường ngoài nước, trong đó đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Vừa qua, dù nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân...
Nhiều khách hàng lớn của Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách hàng đề nghị hủy hợp đồng đã có. Dự kiến, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.
Trong khi đó, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác gặp nhiều khó khăn, vì các thị trường này (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...) nhìn chung rất khó có thể bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ và châu Âu, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có thể gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa của Trung Quốc, do năng lực sản xuất của họ rất lớn và cơ bản đã được phục hồi.
PV