Cát, sỏi, xi măng được cào đều ra đế móng cầu
Chất lượng công trình có được bảo đảm?
Vừa qua, đường dây nóng của báo điện tửThương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc cây cầu Đức Hợp có chiều dài 6m, chiều rộng 6m tại xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên thi công không đảm bảo chất lượng.
Nước bẩn tưới lên cát, sỏi, xi măng thành bê tông
Để làm rõ phản ánh của bạn đọc, phóng viên (PV) đã có mặt tại địa điểm cây cầu đang thi công, chứng kiến sự việc PV không khỏi băn khoan khi thấy đơn vị thi công đổ sỏi, cát, xi măng lên đế móng cầu rồi cào san bằng. Ngay sau đó, PV được chứng kiến việc múc nước bẩn đục ngay tại hiện trường tưới lần lượt lên toàn diện tích rộng của hố móng cây cầu.
Cát, sỏi, xi măng được cào đều ra tại móng cầu khi chưa được trộn (Ảnh cắt từ clip)
Không có giám sát công trình nên đơn vị thi công tưới nước bẩn lên toàn bộ hệ thống móng cầu. Với việc thi công đếmóng như vậy liệu cầu Đức Hợp có đảm bảo chất lượng, độ bền của cây cầu sẽ ra sao? và có bảo đảm chất lượng để lưu thông khi dự án hoàn thành là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Được biết, dự án cầu Đức Hợp do UBND huyện Kim Động làm chủ đầu tư, với dự toán được phê duyệt 3. 646.172.000 đồng, trong đó: Chi phí xây dựng: 2.743.755.300 đồng; Chi phí quản lý dự án 56.347.000 đồng; Chi phí tư vấn đầu tư: 281.957.000 đồng; Chi phí khác: 120.827.000 đồng; Chi phí dự phòng: 443.285.700 đồng. Đơn vị thi công là Cty TNHH TM và Dịch vụ Hoàng Anh (xã Phú Thịnh, huyện Kim Động), đơn vị giám sát là Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Hoàng Hà (TP. Hưng Yên).
Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm?
Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Tất Thắng – Trưởng phòng kinh tế và hạ tầng, huyện Kim Động cho biết: “ Cầu Đức Hợp do UBND huyện làm chủ đầu tư, cây cầu này được UBND tỉnh cấp kinh phí 100%.”
Trao đổi về việc thi công trên của cầu Đức Hợp, ông Thắng nói: “ Cầu đảm bảo chất lượng”, PV nêu đế móng mà rải cát, sỏi, xi măng sau đó tưới nước bẩn đục lên để tạo lớp lót bê tông, làm như vậy có được gọi là bê tông hay không? Ông Thắng nói: “như vậy không thể gọi là bê tông được…”.
Tuy nhiên, khi đề cập đến dự án cầu Đức Hợp mà PV đã trực tiếp ghi nhận về việc thi công móng như những gì PV vừa trao đổi và có bằng chứng kèm theo về việc thi công đó. Nhưng ông Thắng đã không quan tâm đến PV ghi nhận sự việc ra sao, ông nói: “ tôi không biết liệu có quay đúng cây cầu đó hay không, tôi chỉ cần biết đơn vị giám sát báo cáo cầu Đức Hợp đảm bảo chất lượng, như vậy là đủ rồi…”.Ông còn cho rằng: “Bê tông ở cây cầu này không ảnh hưởng gì. Nếu mà bê tông giả thì liệu mấy nghìn tấn ở trên bùn có chịu được không?”
Trong buổi trao đổi với PV, ông Thắng còn cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh của phóng viên, ông đã đích thân vào tận nơi để kiểm tra sự việc. Nhưng sau đó, ông lại nói do bận đi học, nên không bám sát được công trình. Ông một mực không thừa nhận những tác nghiệp của PV tại công trình đang thi công, mà cho rằng có thể video PV ghi nhận được có thể được quay tại đâu đó!?
Cũng theo như “báo cáo” của đơn vị thi công gửi ông Thắng và ông cung cấp cho PV, đơn vị thi công cho rằng: “Công việc thi công đế móng là lớp bê tông lót móng dày 10cm đảm bảo yêu cầu hồ sơ thiết kế. Còn hình ảnh quay trong clip có thể được ghi lại tại một vị trí nào đó thể hiện chưa đầy đủ nên việc đánh giá chất lượng có thể còn thiếu khách quan”.
Đề nghị Thanh tra tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Kim Động kiểm tra làm rõ việc thi công cầu Đức Hợp và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan để đơn vị thi công “ẩu” như vậy?.
Cao Huyền – Quang Nam