Đổi đời từ hoa
Từ lâu, nhiều người đã biết đến Mê Linh là một vựa hoa của Thủ đô, chuyên cung cấp hoa thương phẩm cho thị trường trong nước và ngoài nước.
Tuy không có lịch sử lâu đời như làng hoa Tây Tựu, Ngọc Hà, Nhật Tân, nhưng được hình thành và phát triển trong thời kinh tế thị trường, hoa Mê Linh đã làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế vùng đất xưa kia chỉ trồng các loại cây nông nghiệp truyền thống lúa, ngô, rau màu. Những cánh đồng hoa rực rỡ đủ sắc màu như hoa hồng, hoa cúc, hoa ly... thay thế dần màu xanh của lúa, của rau, màu bạc trắng của đất.
Năm 1995, cả huyện Mê Linh có hơn 2 ha trồng hoa, đến nay, diện tích khoảng 430 ha, trồng các loại hoa chính là hồng (chiếm 84%), cúc (11%) và một số loại hoa khác như ly, đồng tiền, loa kèn, dơn...
Đồng thời, đã hình thành vùng chuyên canh hoa, tập trung ở các xã Mê Linh 200 ha, Đại Thịnh 90 ha, Văn Khê 107 ha... Nghề trồng hoa ở Mê Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình. Lợi nhuận từ trồng hoa cao hơn 4 - 5 lần so với trồng các loại rau màu, cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa. Một số người dân Mê Linh còn lên cả các tỉnh Sơn La, Lào Cai... thuê đất, trồng hoa, mang quy trình kỹ thuật trồng hoa Mê Linh đi lập nghiệp ở những vùng đất mới.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, dù đã quy hoạch thành những vùng sản xuất hoa chuyên canh, tuy nhiên diện tích sản xuất của từng hộ dân vẫn còn manh mún. UBND huyện Mê Linh cũng đã có quy hoạch, đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích trồng hoa trên địa bàn 11 xã, thị trấn; đồng thời đầu tư phát triển 170 ha sản xuất tập trung hoa hồng chất lượng cao.
Nghề trồng và kinh doanh hoa luôn phải đối mặt với rủi ro đến từ các biến đổi bất thường của thời tiết, xu hướng thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Hoa Mê Linh, chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường tự do nên giá cả bấp bênh, thiếu tính bền vững, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không nhiều.
Đặc biệt, do hoa Mê Linh chưa có thương hiệu nên công tác quảng bá, chuyên nghiệp hóa sản xuất và kinh doanh vẫn chưa có điều kiện được đẩy mạnh, chưa được đông đảo người tiêu dùng biết đến, các thị trường tiềm năng chưa được khai thác một cách triệt để và hiệu quả.
Khẳng định thương hiệu
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Để bảo vệ uy tín của hoa Mê Linh trên thị trường, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh hoa, UBND huyện đã ra Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 22/03/2017 về việc thành lập Ban quản lý dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hoa Mê Linh” của huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Biểu tượng/logo chính thức của nhãn hiệu tập thể “Hoa Mê Linh - Hà Nội”
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Dung - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mê Linh cho biết, nghề trồng hoa Mê Linh đã được hình thành và phát triển cách đây hơn 20 năm. Đây là nghề chính của nông dân. Với vị trí địa lý thuận lợi, thổ nhưỡng thích hợp và người nông dân chịu khó sản xuất, có kinh nghiệm trong sản xuất hoa nên từ việc trồng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu là các giống hoa truyền thống, đến nay Mê Linh đã hình thành các vùng trồng hoa tập trung với nhiều loại hoa chất lượng cao, nhiều màu sắc và độ bền hoa cắt dài ngày: Ly, hồng, cúc, đồng tiền...
Cũng nhờ chọn hướng đi đúng đắn, mỗi năm, Mê Linh cung cấp hàng triệu cành hoa các loại cho người tiêu dùng Thủ đô và khắp các vùng, miền đất nước. Định hướng trong những năm tới, huyện Mê Linh được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch, dự kiến mở rộng diện tích trồng hoa ở các xã Tự Lập, Liên Mạc, Vạn Yên, Tiến Thịnh.
Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt (IPASPRO) được Ban quản lý dự án nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh (Phòng Kinh tế huyện Mê Linh) giao thực hiện dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) từ tháng 9/2017.
Mục tiêu của dự án là đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Hoa Mê Linh - Hà Nội”, thiết lập các công cụ quản lý nhãn hiệu, công cụ truy xuất nguồn gốc và xây dựng một số tiền đề cho phát triển nghề trồng hoa trên địa bàn huyện Mê Linh. Dự kiến, tháng 8/2018, nhãn hiệu tập thể sẽ chính thức được bảo hộ, tạo ra các căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi xâm phạm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tăng thu nhập cho người dân.
Luật sư Lê Kinh Hải - Giám đốc IPASPRO cho biết thêm: “Ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hoa Mê Linh - Hà Nội” tại Cục Sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã tham mưu cho Hội Nông dân huyện Mê Linh ban hành các công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý chặt chẽ nhãn hiệu tập thể này, thiết kế logo và hệ thống nhận diện cho nhãn hiệu, xây dựng website quảng bá và một số công tác marketing sản phẩm.
Mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm hoa tươi và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, góp phần giúp nghề trồng hoa trên địa bàn huyện Mê Linh phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao”.
Nhật Lệ