Đó là ý kiến được lãnh đạo Bộ đề xuất tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng mạng xã hội trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì các mạng xã hội nước ngoài đã và đang ngày một phổ biến hơn. Trong khi đó, mạng xã hội mới sẽ cần thời gian đầu tư, sáng tạo rất nhiều về mặt nội dung, tiện ích, cũng như cần thời gian đủ dài để xây dựng tập người dùng...
Bên cạnh đó, luồng ý kiến khác lại cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển thành công mạng xã hội được người dùng trong nước sử dụng. Thực tế, chúng ta đã có thuận lợi là các sản phẩm mạng xã hội hiện có như Zalo, các diễn đàn (forum) lớn như Tinh Tế, Otofun, web trẻ thơ.
Điều đó này cho thấy, nếu xây dựng được chiến lược và đưa ra định hướng phát triển cộng đồng đúng đắn thì doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ khả năng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh tốt với các mạng xã hội nước ngoài
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc (trình duyệt tìm kiếm tại Việt Nam) nhận định: "Chúng ta cũng cần nghĩ tới việc xây dựng một mạng xã hội Việt Nam cho thị trường quốc tế, hơn là một mạng xã hội chỉ thuần phục vụ cho cộng đồng internet trong nước. Bởi vì hiện tại và tương lai không xa, sự trao đổi, chia sẻ với bạn bè, cộng đồng quốc tế của người dùng trong nước sẽ xuất hiện nhiều hơn và phổ biến. Điều này cũng là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam vì chúng ta chưa có nhiều sản phẩm công nghệ đạt quy mô toàn cầu hoặc khu vực".
ngoài ra, nếu có mạng xã hội riêng, chúng ta sẽ độc lập, tự chủ hơn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là khi, mạng xã hội hiện nay đã không còn chỉ gói gọn trong việc chia sẻ các hoạt động, suy nghĩ cá nhân, mà đã trở thành nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa mà còn rất nhiều hoạt động khác.
(Ảnh minh họa)
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc xây dựng Hệ sinh thái số Việt Nam, trong đó có mạng xã hội, công cụ tìm kiếm là hết sức cần thiết. Chẳng hạn, Mỹ đã tạo ra các thương hiệu dịch vụ trên internet như: Facebook, Google; Trung Quốc tạo ra Alibaba, Wechat; Hàn Quốc có Kakao Talk, Nhật Bản với Line...
Các công ty Facebook, Google hiện có nhiều người sử dụng trên toàn cầu, nhưng chúng ta sẽ không nói trước được điều gì mọi thứ đều có thể xảy ra. Thế giới thay đổi rất nhanh và phát triển liên tục, ví dụ trước đây Yahoo Messenger, rồi sau đó là Yahoo blog 360 độ cũng đã lần lượt bị thay thế...
“Việc xây dựng Hệ sinh thái số Việt Nam không nhằm thay thế hoặc vì vậy mà cấm đoán sản phẩm tương tự khác, nếu không vi phạm pháp luật Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có mong muốn thúc đẩy Hệ sinh thái số phát triển lành mạnh được nhiều người Việt Nam sử dụng và tuân thủ pháp luật Việt Nam đã quy định” - ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước "giương cao ngọn cờ" để tập hợp, huy động nguồn lực xã hội tham gia; đồng thời giữ vai trò cơ quan ban hành chính sách phù hợp và là “bà đỡ” sáng tạo.
Bộ sẽ không dùng ngân sách để chi đầu tư cho việc phát triển Hệ sinh thái số nói chung và mạng xã hội nói riêng mà chỉ ban hành chính sách để các doanh nghiệp trong nước hoạt động bình đẳng như với doanh nghiệp nước ngoài, xóa bỏ tình trạng "bảo hộ ngược" như hiện nay.
Hằng Vương (T/h)