Thủ tướng chỉ đạo xây dựng ngành kiểm sát thực sự là 'thanh bảo kiếm' sắc bén trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng
Những dấu ấn của ngành kiểm sát
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, là người trình bày những dấu ấn của ngành kiểm sát trong 60 năm phát triển, với năm chặng đường quan trọng.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, ngành tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ.
Giai đoạn này, lãnh đạo VKSND Tối cao luôn chọn công tác cán bộ là khâu đột phá; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Người đứng đầu được yêu cầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”, cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm”.
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao
Một điểm nhấn nổi bật, đó là việc tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; quán triệt quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện cho các chủ thể vi phạm khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, ngành cũng kiên quyết không xử lý hành chính hoặc bỏ qua các hành vi phạm tội, nhất là hành vi tham nhũng, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của ngành KSND trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét thông qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ đặc biệt lớn với hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng bị khởi tố từng giữ những chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.
Chưa hết, công tác tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, về hình ảnh người cán bộ Kiểm sát cũng được cải tiến một bước đột phá, thông qua việc phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim truyền hình “Sinh tử” phản ánh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ngành và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, ngành KSND cũng tích cực, chủ động thực hiện sớm nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.
“Thanh bảo kiếm” sắc bén trong phòng chống tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, chúc mừng những thành tích to lớn mà ngành KSND đã đạt được.
Điều này được thể hiện qua những đóng góp rất quan trọng của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; thực hiện tốt trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với cải cách tư pháp…
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành KSND tiếp tục thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trong đó, ngành cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
Đặc biệt, ngành cần nâng cao bản lĩnh, ý chí đấu tranh với sai phạm và tội phạm; bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng KSND thực sự là “Thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chú trọng đàm phán, ký kết các thoả thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy liên quan tới yếu tố nước ngoài.
Đăng Khôi