Việc tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) - đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực phát triển nền kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của khu vực và toàn cầu.

Song song với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, được đánh giá sẽ tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Ðể tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia, doanh nghiệp ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu sản phẩm.

Thực tế cho thấy, thương hiệu sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ, mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Ðó là khi thương hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao.

Và trong một quốc gia tồn tại nhiều thương hiệu doanh nghiệp mạnh - lại là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu quốc gia đó. Ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được khẳng định trên trường quốc tế, cũng tạo ra sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năm 2021, Viettel sẽ nỗ lực mọi mặt để có thể đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất vào công cuộc chuyển đổi số (Ảnh: VGP/Minh Thi)
Năm 2021, Viettel sẽ nỗ lực mọi mặt để có thể đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất vào công cuộc chuyển đổi số (Ảnh: VGP/Minh Thi)

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện.

Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chương trình đã tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Trong 3 năm trở lại đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình thương hiệu quốc gia.

Với sự hỗ trợ của Chương trình thương hiệu quốc gia, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, cũng như giá trị của doanh nghiệp.

Có thể kể đến một số thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), được đánh giá là tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, tốp 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và tốp 40 thế giới về doanh thu; Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty CP Sữa TH - doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành”  vào Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới...

Có thể thấy, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã liên tục được cải thiện và hiện nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, được định vị tốt trên toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất linh kiện thân vỏ ô tô Thaco, Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất linh kiện thân vỏ ô tô Thaco, Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) 

Các doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia đã khẳng định vị thế hàng đầu - vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới.

Trong những năm gần đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tiếp được cải thiện, thăng hạng một cách đáng kể trên bảng xếp hạng thế giới.

Những kết quả tích cực đạt được đó là nhờ Chính phủ đã có nhiều giải pháp về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ xuất nhập khẩu, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, để tạo dựng được hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp cần lưu ý, trước hết là vấn đề tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, giá trị xuất khẩu không cao. Cùng với đó là vấn đề chất lượng sản phẩm, vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ...

Theo đó, để xây dựng thương hiệu quốc gia, ngoài cơ chế tốt, bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng góp phần xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Nếu vận dụng hiệu quả thương hiệu quốc gia, sẽ tạo ra cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Có thể nói, xây dựng thương hiệu quốc gia là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, còn năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình.

Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Hà Trần