Sự kiện Khai mạc tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 vừa được tổ chức tại Sài Gòn.

Diễn đàn năm nay lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức hybrid (trực tiếp và trực tuyến) đã thu hút sự tham gia đông đảo từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu. Cụ thể, Diễn đàn thu hút sự tham dự trực tiếp và thông qua đầu cầu trực tuyến của Sở Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại các nước, đại diện cơ quan ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, cùng đại diện các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp quan tâm tới Chương trình và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin. 

Diễn đàn bao gồm hai phiên: Phiên buổi sáng tập trung vào nội dung đối thoại giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế. Phiên buổi chiều sẽ thảo luận theo chủ đề “Tận dụng đòn bẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt”.

Hình ảnh nghi lễ bấm cầu điện tử khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021
Hình ảnh nghi lễ bấm cầu điện tử khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết: “Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Vị thế mới, giá trị mới” được Bộ Công Thương tổ chức trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đi vào hiệu lực là tiền đề thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam ngày càng sâu rộng. Với các nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn, tôi rất mong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải tiến chất lượng sản phẩm, quan tâm tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, tận dụng đòn bẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam để gây dựng thương hiệu góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.”

Trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương có bài trình bày với chủ đề “Quyền lực mềm - Phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong một thế giới thay đổi” giúp các doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa quyền lực mềm, Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong sự phát triển bền vững của một quốc gia. Những nỗ lực trong thời gian qua của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam, danh tiếng và hình ảnh quốc gia Việt Nam cũng như góp phần vào gia tăng xếp hạng về quyền lực mềm của Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 đã có phiên tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tập trung vào các vấn đề được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm liên quan đến việc tận dụng vị thế mới, giá trị mới của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đổi mới sáng tạo trong phát triển thương hiệu là điều kiện tất yếu trong quá trình hội nhập. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng của thương hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và coi phát triển thương hiệu như là chìa khóa vàng để tiến bước trong các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Khép lại phiên tọa đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; từ đó góp phần tăng cường hơn nữa những lợi ích mà vị thế mới, giá trị mới của Thương hiệu quốc gia mang lại”.

PV