Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là bệnh nhi Hà Khánh H. (8 tuổi). Tiếp đó qua điều tra giám sát phát hiện thêm 1 giáo viên của trường mắc sởi.

Mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xác nhận hai bệnh nhân này dương tính với bệnh sởi. Đến ngày 10/5, tại ổ dịch đã ghi nhận 13 ca mắc trong đó 11 học sinh và 2 giáo viên. Hiện có 5 ca đang điều trị tại cơ sở y tế và 8 ca điều trị tại nhà.

Xuất hiện ổ dịch sởi thứ 02 tại Hải Dương - Hình 1

Tiêm chủng vắc - xin sởi (Ảnh minh họa)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng phòng chuyên môn của Sở Y tế đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch nguy hiểm ở người huyện Ninh Giang và xã Tân Hương và chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch như: tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các triệu chứng của bệnh sởi, cách phát hiện, các biện pháp phòng chống.

Ngoài ra giám sát chặt chẽ các ca mắc và nghi mắc tại các trường học và dân cư trên địa bàn xã Tân Hương. Xử lý toàn bộ khu vực nhà trường bằng Cloramin B 0.5%, rải tấm thảm tẩm Cloramin trước cửa ra vào lớp học. Tổ chức tiêm phòng vắc - xin MR phòng sởi cho khoảng 700 học sinh trường Tiểu học Tân Hương.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 02 ổ dịch tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) và xã Tân Hương (Ninh Giang).

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc - xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc - xin sởi.

Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc - xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Nguyễn Tuệ