Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể kể đến một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ảnh báo Đảng Cộng sản
Ảnh báo Đảng Cộng sản.

“Năm 2021, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5%; xuất khẩu sang Peru đạt 560 triệu USD, tăng 84,4%. Đây đều là những nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPPTPP) với Việt Nam”, ông Lê Hoàng Tài dẫn chứng.

Trong khi đó, đối với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Đối với thị trường Anh (FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland), năm 2021 xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD.

“Hiện tại, trong giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát, triển vọng xuất khẩu vào những thị trường trên vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và RCEP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế”, ông Lê Hoàng Tài cho hay.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết thêm, nhiều nước cũng đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có FTA được dự báo sẽ khả quan, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh minh họa internet
Xuất khẩu hàng hóa Việt sang các thị trường đã có FTA được dự báo khả quan. Ảnh minh họa internet.

Từ góc độ doanh nghiệp, ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam nhìn nhận: Ngành da giày Việt Nam hiện đứng thứ hai về xuất khẩu sau Trung Quốc, đứng thứ ba về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có FTA duy trì khá tốt. Điển hình như, với thị trường CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, thị trường EU đạt 18%.

“Có thể nói, các lợi thế của các FTA đã được ngành da giày tận dụng tốt. Các FTA chính là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn qua”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhìn nhận, Việt Nam là một trong những nước tích cực hàng đầu ASEAN về ký kết các FTA, chỉ sau Singapore. Hiện, Việt Nam có 15 các FTA, trong đó có nhiều FTA đạt chất lượng cao như CPTTP, EVFTA… bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.

Bên cạnh những tác động tích cực, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam, ông Lê Quốc Phương lưu ý, các FTA này cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp cả trên “sân nhà” và trên thế giới. Các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế.

Cùng với đó đó, các FTA cũng đặt ra khó khăn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn lao động như không có lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức, vấn đề sở hữu trí tuệ… Tất cả những điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, đầu tư tăng lên.

“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn lên, trưởng thành, nâng cao được năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, biến thách thức thành cơ hội, nếu không ngược lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Công Huy