Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng tích cực (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng tích cực (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh. Trong tháng 6/2021, ngành hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu đạt trên 356 triệu USD, (tăng 38% so với cùng thời điểm năm 2020).

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020). Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm về Việt Nam đạt 686 triệu USD (giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2020). Như vậy, ngành hàng rau quả xuất siêu 1,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy ngành rau quả đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm 2021. Bởi trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 61,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, từ đầu tháng 6/2021 các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về kiểm dịch thực vật để đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian thông quan cho xuất khẩu trái cây tươi. Hai bên đã thảo luận về các hoạt động kiểm dịch trái cây tại cửa khẩu trong thời gian qua, tập trung vào kiểm dịch trái cây tươi Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan hải quan và kiểm dịch của Trung Quốc sẽ kiểm tra ngẫu nhiên trái cây Việt Nam và miễn trừ kiểm tra vải tươi từ Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang thuận lợi, đa số các mặt hàng đều có kim ngạch vượt xa cùng kỳ 2020, thậm chí xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái.

5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 2,5 triệu tấn, bằng khoảng 77% so với cả năm 2020. Trong đó, xoài là loại trái cây có mức tăng sản lượng xuất khẩu lớn nhất với gần 157%, tương ứng hơn 468.000 tấn.

Một số nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng sản lượng xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm 2021 có thể kể tới là: Thanh long 1,2 triệu tấn (tăng 138%), dưa hấu 290.000 tấn (tăng gần 132%). Riêng đối với quả vải, hiện đã xuất khẩu được hơn 51.000 tấn, với mức tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, xuất khẩu thuận lợi đa số rơi vào các mặt hàng truyền thống, đã được cấp phép xuất khẩu chính thức. Đối với các mặt hàng mới như ớt, khoai lang tím… để có được kim ngạch tốt, thì cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các biện pháp kỹ thuật và thương mại.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật gửi phía Trung Quốc nhằm sớm xuất khẩu các nhóm ngành hàng này. Ngoài ra, nhà quản lý vẫn đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam khác như: bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa.

Khối lượng xuất khẩu trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trung bình trong những năm gần đây là từ 3,3 – 3,5 triệu tấn/năm. Thị trường Trung Quốc giờ không còn “dễ tính” như trước. Hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng, mà mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng.

Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Do đó, để xuất khẩu bền vững sang thị trường khổng lồ này, các chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với nông sản.

Nguyễn Kiên