(THCL) _Mặt hàng tôm luôn giữ ngôi vị quán quân trong XK thủy sản Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2014, giá trị XK mặt hàng tôm chiếm trên 50% tổng kim ngạch XK thủy sản, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nắm vững thị trường chủ lực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản Việt Nam tiếp tục có đà tăng trưởng mạnh, trong đó phải kể đến vai trò chủ đạo của mặt hàng tôm. Đặc biệt là sản phẩm tôm thẻ chân trắng đã có sự phát triển tốt tại nhiều thị trường với mức tăng trưởng hầu hết ở 2 con số, thậm chí với 3 con số.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mặt hàng tôm có được thành quả trên là nhờ Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu ổn định, nhất là nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
Mỹ vẫn là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tỷ trọng XK, dự báo XK thủy sản sang thị trường này vẫn tăng 37% so cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là EU, chiếm gần 18% tổng kim ngạch XK…
Hàn Quốc, ASEAN và Australia cũng ngày càng khẳng định là những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Điển hình là Hàn Quốc, đã lấy lại vị trí thứ tư trong nhóm các nước đơn lẻ NK thủy sản của Việt Nam sau khi bị tụt hạng năm 2013 với mức tăng trưởng khá cao (51%).
Phó chủ tịch VASEP, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hội chứng tôm chết sớm (EMS) trên thế giới vẫn chưa có tín hiệu được kiểm soát tốt, nguồn cung tôm trên thị trường thế giới vẫn chậm được cải thiện; cùng với đó là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm Việt Nam quá cao và bất hợp lý, đang gây những khó khăn cho các DN XK tôm của Việt Nam. Do vậy, trong tình hình cân đối cung cầu của tôm trên thế giới đang thuận cho người nuôi và nhà chế biến XK thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cơ hội cho các DN cần phải làm ngay.
Mở rộng thị trường mới
Do có sự chuyển hướng thị trường nên XK tôm sang các thị trường khác đều tăng trưởng khá trong năm nay. XK tôm sang Hàn Quốc tăng tới 115% so cùng kỳ năm ngoái, là thị trường NK tôm lớn thứ năm của Việt Nam.
Đối với thị trường EU, kim ngạch XK tôm cũng tăng gần 100%. Tại thị trường Nhật Bản, XK tôm đã có xu hướng tăng trưởng trở lại lên mức 5% sau nhiều tháng bị cản trở bởi rào cản kháng sinh.
Vừa qua, DOC đã áp mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần thứ tám (POR 8) một cách quá cao và bất hợp lý, với mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76% - là mức thuế cao nhất trong lịch sử gần 10 năm Việt Nam XK tôm sang Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá cao vô lý như vậy, thiệt hại cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, sản lượng tôm trong nước của Mỹ chủ yếu là khai thác từ các vùng vịnh, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Do đó, nguồn cung tôm cho tiêu dùng của Mỹ phụ thuộc lớn vào NK. Các nhà NK Mỹ vẫn phải lấy nguồn cung ứng từ Việt Nam. Khi nguồn cung hạn chế cùng với mức thuế chống bán phá giá tăng cao, buộc các DN Việt Nam phải tăng giá bán.
Ông Võ Quang Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm, thị trường tôm thế giới vẫn tiếp tục ở mức thấp. Vì thế, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ không ở mức quá khó khăn, các DN Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần, cũng như mở rộng thị trường XK.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Bên cạnh giải pháp tìm kiếm thị trường mở rộng XK, các DN cần quản lý chặt chẽ hơn chuỗi giá trị cung ứng để chủ động ứng phó với thuế chống bán phá giá của DOC hàng năm, cũng như kiểm soát tốt được chất lượng sản phẩm”
Hoan Nguyễn