Xuất nhập khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảmXuất nhập khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm

Theo đó, sau khi giảm 16% trong tháng 5 (đạt 639 triệu USD), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% (ước đạt 626 triệu USD).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong đó, giảm sâu nhất là cá tra lên tới 31%, cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Duy nhất xuất khẩu tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%.

Việc giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn, thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.

Lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ (HORECA) ngưng trệ, tiêu thụ các loài thủy sản chính cho phân khúc này giảm  khiến giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới.

Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá tuyết, cá hồi, cá chẽm, cá rô phi, mực, bạch tuộc đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các nhà xuất khẩu giảm.

Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm sâu nhất tới 35%, sang Mỹ giảm 6%, sang ASEAN giảm 17%, sang Hàn Quốc giảm 9%, Trung Quốc giảm 3% và sang Nhật giảm 5%.

Chỉ có một vài thị trường tăng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam là Anh và Canada nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Trong tháng 6 và một vài tháng tới thương mại thủy sản trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan khi dịch COVID-19 bùng phát lần 2 và tăng mạnh tại các thị trường lớn Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tuy vậy, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 có thể sẽ là một “cú hích” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như: tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh.

 Nguyễn Kiên