Bài 1: Ngang nhiên vi phạm Luật Đất đai

Bài 2: Kiểm tra chưa có kết quả… đã cắt điện?

Văn phòng Chính phủ có có công văn chuyển UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề người dân phản ánh những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại chân cầu Phương Bảng. Tuy nhiên, tại xã An Thượng (Hoài Đức), chính quyền lại đưa ra quyết định cắt điện và cưỡng chế khiến người dân bức xúc.

Một quyết định khó hiểu?

Tòa soạn nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của nhiều hộ dân khu cầu vượt Phương Bảng, thuộc xã An Thượng (Hoài Đức), trong đó có cả những gia đình khó khăn, gia đình bà mẹ Việt Nam Anh hùng về việc UBND huyện Hoài Đức thu hồi đất của dân không đúng quy định.

Trong đơn thư, ông Chu Quang Đại (xã An Thượng) nêu rõ: Gia đình chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi đã xây dựng nhà cấp 4 ở cầu vượt Phương Bảng để ở và thờ cúng bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Ngoài ra, rất nhiều hộ gia đình đang sinh sống, sản xuất yên ổn tại đây, bỗng dưng nhận được Thông báo số 02 ngày 11/1/2016 của UBND xã An Thượng về việc vi phạm xây dựng tại khu vực đường gom chân cầu vượt Phương Bảng (từ Km 13 đến Km 13+500) xã An Thượng.

Thấy thông báo này không hợp lý, người dân đã có đơn thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng kêu cứu, phản ánh việc diện tích đất các hộ dân đang sinh sống không nằm trong diện tích đường gom, không vi phạm xây dựng tại khu vực này.

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 669, chuyển đến UBND TP. Hà Nội để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng có Văn bản số 1102, nêu rõ ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao cho sở GTVT chủ trì phối hợp với UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan giải quyết theo quy định và có văn bản trả lời các hộ dân.

Ngày 7/3, Ban quản lý Dự án giao thông 3 (Sở GTVT) cùng các đơn vị Ban quản lý Dự án ĐTXD mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã An Thượng, Công ty CP Quản lý&Đầu tư xây dựng đường bộ Hà Nội, cùng một số hộ dân đã có buổi kiểm tra thực tế tại hiện trường nhằm kiểm tra - xác định công trình xây dựng tại khu vực đường gom.

Tuy nhiên, khi các hộ dân chưa nhận được kết luận thông báo của tổ công tác thì ngày 16/3, ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký văn bản gửi Công ty Điện lực Hoài Đức yêu cầu cắt điện các hộ dân tại đây. Từ ngày 23/3, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng đã ký hàng loạt quyết định về việc cưỡng chế phá dỡ công trình của một số hộ dân.

Phức tạp khi xử lý

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng, cho biết: “Quản lý phần diện tích gầm cầu Phương Bảng là trách nhiệm của chủ đầu tư - Tổng công ty Vinaconex; còn họ giao cho đơn vị nào thì chúng tôi không rõ. Nay đường làm xong, sử dụng như thế nào, UBND TP cần cho ý kiến để giải quyết”.

Được biết, tháng 2/2016, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra và phát hiện 5 hộ dân vi phạm, trong đó có 37 công trình sai phạm. Có nhiều công trình là lều lán do đơn vị thi công dựng lên cho công nhân ở. Năm 2012 – 2013, Thanh tra Xây dựng huyện Hoài Đức phối hợp với xã An Thượng lập các biên bản, ra quyết định cưỡng chế, nhưng không thực hiện được. Đến nay, UBND xã An Thượng đã lập hồ sơ mới gửi lên huyện, UBND huyện đã có kế hoạch triển khai cưỡng chế các công trình vào cuối tháng 5 song vẫn chưa được thực hiện.

Đánh giá về việc bất cập trong công tác quản lý đất đai tại khu vực cầu Phương Bảng, ông Lương nói: “Tính chất sự việc là phức tạp, chúng tôi nhiều lần kiểm tra phát hiện sai phạm. Nhưng để giải quyết không thể vội vàng, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền xã buông lỏng quản lý đất vàng sau khi làm đường, xã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Nhưng thực ra, theo đúng Văn bản chỉ đạo 1102 thì UBND TP giao Sở GTVT, không giao cho chúng tôi, chúng tôi chỉ phối kết hợp, chứ không quản lý nữa. Để xảy ra sai phạm thì phải xử lý Sở GTVT và Ban quản lý dự án”.

Trước câu hỏi của PV về việc UBND huyện ra quyết định cắt điện của các hộ dân, gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất thì đúng hay sai, ông Lương nói: “Tôi có ra văn bản đâu mà biết?”.

Ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, người trực tiếp ký văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Hoài Đức cắt điện các hộ dân cho biết: “Thực tế, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý đất đai tại khu vực cầu Phương Bảng nên xảy ra tình trạng lấn chiếm kéo dài. Chúng tôi đã nhiều lần vào cuộc xử lý, nhưng chưa dứt điểm vì còn có khó khăn nhất định. Đến giờ, những sai phạm về xây dựng tại xã An Thượng, chúng tôi đang chờ chỉ đạo cụ thể của UBND TP. Hà Nội”.

“Việc quản lý đất tại khu chân cầu vượt Phương Bảng không phải trực tiếp của huyện Hoài Đức. Những tồn tại, sai phạm tại đây, nay cơ quan chức năng vào cuộc thì chúng tôi phối hợp để xử lý. Tuy nhiên, việc cắt điện các hộ dân tại chân cầu Phương Bảng là trong thẩm quyền của huyện, vì xã An Thượng báo cáo lên việc DN ký hợp đồng cung cấp điện cho các hộ dân, giờ đây, thực hiện việc cưỡng chế thì cắt điện là một biện pháp…”.

Trao đổi với PV, đại diện các hộ dân bị cắt điện cho rằng, người dân luôn chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước. “Việc UBND huyện, UBND xã ra quyết định cưỡng chế, đặc biệt, cắt điện nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, gây thiệt hại đáng kể cho người dân, trong đó có gia đình chính sách, thì thật bất công. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội khiến người dân rất bức xúc”, ông Đại nói.

Trước những bức xúc của nhân dân về công tác quản lý đất đai của chính quyền huyện Hoài Đức, đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm vào cuộc chỉ đạo, xử lý nghiêm, lập lại trật tự quản lý và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, không để nơi đây trở thành một điểm nóng về đất đai.

Hoan Nguyễn