Theo ý kiến của Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, ẩm thực Việt Nam có 9 đặc trưng:

 Tính hoà đồng hay đa dạng

Bắt đầu từ tính cách dễ dàng tiếp thu văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực từ các dân tộc khác của người Việt, để từ đó chế biến thành của mình. Đây cũng là điểm nổi bật của ẩm thực của nước ta từ Bắc chí Nam.

  Tính ít mỡ

Các món ăn Việt Nam chủ yếu làm từ rau, quả, củ nên ít mỡ (khá ít món ăn nấu ngập dầu), không dùng nhiều thịt như các nước phương Tây, cũng không dùng nhiều dầu mỡ như món của người Hoa.

 Tính đậm đà hương vị

Khi chế biến thức ăn người Việt Nam thường dùng nước mắm để nêm, lại kết hợp với rất nhiều gia vị khác,… nên món ăn rất đậm đà. Mỗi món khác nhau đều có nước chấm tương ứng phù hợp với hương vị.

 Tính tổng hoà nhiều chất, nhiều vị

Các món ăn Việt Nam thường bao gồm nhiều lọai thực phẩm như thịt, tôm, cua cùng với các loại rau, đậu, gạo. Ngoài ra còn có sự tổng hợp của nhiều vị như chua, cay, mặn, ngọt, bùi béo…

Người Việt còn dùng các loại gia vị chế biến khác như: mắm, tương, nước chấm với các cách độc đáo tạo nên sản phẩm văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc của Việt Nam từ cách chế biến, cách dùng và hương vị đặc trưng.

Trong bữa cơm của người Việt Nam luôn có cơm
Trong bữa cơm của người Việt Nam luôn có cơm (Ảnh: internet)

Tính ngon và lành

Ẩm thực Việt Nam là sự kết hợp giữa các món, các vị lại để tạo nên nét đặc trưng riêng. Những thực phẩm mát như thịt vịt, ốc thường được chế biến kèm với các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm… Đó là cách cân bằng âm dương rất thú vị, chỉ có người Việt Nam mới có…

 Dùng đũa

Giống một vài nước châu Á khác thì việc sử dụng đũa là một nét đặc trưng rất thú vị của ẩm thực Việt, bạn có thể sử dụng đũa trong hầu hết các món ăn, từ kho, xào, chiên, hay thậm chí là cả canh. Đôi đũa Việt có mặt trong mọi bữa cơm gia đình, ngay cả khi quay nướng, người Việt cũng ít dùng nĩa để xiên thức ăn như người phương Tây. Kèm với đó thì gắp là một nghệ thuật, gắp sao cho khéo, cho chặt đừng để rơi thức ăn… 

Văn hóa sử dụng đôi đũa trong bữa ăn của Việt Nam rất phong phú được sử dụng nhiều trong thực tế cuộc sống. Đũa luôn dùng hai chiếc và gọi là đôi đũa, không gọi là “hai”, “nhị”. Đũa gắn liền với việc ăn, với cuộc sống hàng ngày, đã trở thành biểu tượng cuộc sống. Phải so đũa trước khi ăn phải xếp đầu to với đầu to, đầu nhỏ với đầu nhỏ và đôi đũa phải bằng nhau không so le, không ăn đũa vênh khi ăn.

 Tính cộng đồng hay tính tập thể

Tính cộng đồng thể hiện rất rõ trong ẩm thực Việt Nam, bao giờ trong bữa cơm cũng có bát nước mắm chấm chung, hoặc múc riêng ra từng bát nhỏ từ bát chung ấy.

 Tính hiếu khách

Trước mỗi bữa ăn người Việt thường có thói quen mời. Lời mời thể hiện sự giao thiệp, tình cảm, hiếu khách, mối quan tâm trân trọng người khác…

 Tính dọn thành mâm

Tính dọn thành mâm trở thành truyền thống, tập tục của người dân Việt Nam
Tính dọn thành mâm trở thành truyền thống, tập tục của người dân Việt Nam (Ảnh: internet)

Người Việt có thói quen dọn sẵn thành mâm, dọn nhiều món ăn trong một bữa lên cùng một lúc chứ không như phương Tây ăn món nào mới mang món đó ra.

Văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực chính là sự thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, là sự cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm, có giáo dục. Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng, từ bản thân, đến trong gia đình, các mối quan hệ ngoài xã hội.

L.T ( t/h)