
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được tăng cường, góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là NĐTP tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và NĐTP do thức ăn đường phố; Hình thức thương mại điện tử, quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số hóa, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đa quốc gia, ngày càng phổ biến, rất khó quản lý.
Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; Căn cứ thực tế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch số 337//KH-BCĐTƯATTP ngày 21/3/2025 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP
Năm nay, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” được triển khai với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 sẽ được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2025 trên phạm vi toàn quốc với các chiến dịch truyền thông gồm:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng.
Hai là, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm;
Ba là, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật; tập trung tuyên truyền quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm, mức phạt.
Bốn là, kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng an toàn thực phẩm, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm;
Năm là, công khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định;
Sáu là, tiếp tục tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 -2025”; Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.
Bảy là, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Đặc biệt, tập trung tuyên truyền giáo dục về an toàn thực phẩm cho chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý ATTP, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp
Song song với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tháng an toàn thực phẩm 2025 cũng sẽ chú trọng vào việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để triển khai kế hoạch có hiệu quả, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương yêu cầu các đoàn kiểm tra triển khai kiểm tra bảo đảm đúng tiến độ. Thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 05 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.
Trong đó, Đoàn số 1 doCục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 01 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh và Bình Phước.
Đoàn số 2 doThanh tra Bộ Nông nghiệp và Môi Trường chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh/thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị.
Đoàn số 3 do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Hà Nội, Bắc Giang.
Đoàn số 4 do 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An),01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đoàn số 5 do 01 đơn vị thuộc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với 01 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường, 01 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại 02 tỉnh/thành phố: Điện Biên và Lai Châu.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương cũng giao các Bộ: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tự đề xuất đơn vị chủ trì/phối hợp để triển khai thực hiện.
Bên cạnh 05 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi Trường, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả tháng hành động.
Hải Minh