Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh có 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Hết năm 2023, tỉnh cấp mới chủ trương đầu tư 30 dự án. Lũy kế đến ngày 15/12/2023, các KCN của tỉnh có 570 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Trong đó, có nhiều dự án lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản… Tổng diện tích đất thuê khoảng 3,425ha, đạt tỷ lệ lấp đầy số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng là 66.63%.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 24 KCN với diện tích 16,052ha. Đất KCN phân bổ chỉ tiêu sử dụng đến năm 2030 là 10,755ha. Theo đó, các KCN được xem là “cứ địa” của ngành công nghiệp, tạo ra không gian phát triển quan trọng cho trụ cột kinh tế của tỉnh.
Ngoài 13 KCN đang hoạt động, tỉnh có 1 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (KCN Dầu khí Long Sơn); 2 KCN đang làm thủ tục đầu tư và 7 KCN vừa được thêm vào quy hoạch.
Theo quy hoạch tỉnh, định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51. Ngoài 2 KCN tại Vũng Tàu (Đông Xuyên và dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển KCN của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức.
Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TPHCM hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các KCN công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.
Các KCN trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học…
Như vậy, theo quy hoạch trong những năm tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung xây dựng loạt KCN, đô thị, khu logistics chạy dọc theo tuyến đường Vành đai 4 TPHCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và khu vực cảng biển Cái Mép – Thị Vải, tức là sẽ tập trung phát triển mạnh ở hai khu vực Thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Đây là hai khu vực có hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của tỉnh đã và đang được xây dựng gồm tuyến quốc lộ 51, đường Vành đai 4 Tp.HCM và cảng Cái Mép – Thị Vải.
Trong đó, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu là 19,7km.
Hiện nay, cao tốc đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang được triển khai thuận lợi. Dự kiến, dự án thành phần này có thể hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch trước đó.
Khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ giảm tải cho quốc lộ 51 hiện đang trong tình trạng quá tải thường xuyên ùn tắc. Dự án cũng kết nối trực tiếp với tuyến đường cửa ngõ sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành….
Trong khi đó, dự án Vành đai 4 có chiều dài hơn 200km kết nối các địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An hiện cũng đang được các địa phương xúc tiến sớm đầu tư.
Đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài tuyến là 18,23 km với điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230m.
Điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, vị trí Hồ Bầu Cạn) tiếp nối với Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo quy hoạch của tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 8 làn xe bề rộng mặt cắt ngang 74,5m; trong giai đoạn phân kỳ tuyến được đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe với phương thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.
Tại Phú Mỹ dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô diện tích lên đến hơn 2.000ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6,7 tỉ USD cũng đang được nghiên cứu đầu tư.
Đặc biệt, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9/2023, Công ty điều hành cảng SSA Marine (trụ sở tại Seattle, Mỹ) và Công ty Gemadept (trụ sở TP.HCM) đã công bố ý định hợp tác trong kế hoạch xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Sau khi hoàn thành, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ là trung tâm logistics lớn nhất của cả nước.
Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ sẽ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng.
H. Thủy (Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/)