Nhiều sản phẩm OCOP mới 

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt nhiều thành tựu. Nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng được tỉnh hỗ trợ phát triển trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ Xuân Trường (Lục Ngạn), na dai Lục Nam... 

Thành viên HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung giới thiệu sản phẩm trà nụ hoa sâm Nam núi Dành
Thành viên HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung giới thiệu sản phẩm trà nụ hoa sâm Nam núi Dành.

Dù vậy, phần lớn nông sản được tiêu thị trong nước và xuất khẩu ở dạng thô nên giá trị gia tăng thấp. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng còn thiếu tính cộng đồng, tính tự nguyện, chủ yếu dựa vào sản phẩm có sẵn. 

Do đó, để tạo bước đột phá trong phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho nông dân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang đã giao cho Hội Nông dân tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”.

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự vào cuộc của cấp uỷ và chính quyền các địa phương, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân trong tỉnh nên đã có nhiều chủ thể là hợp tác xã (HTX), hộ cá thể tham gia, giúp đề án thu được kết quả khả quan. 

Cụ thể, HTX Nông nghiệp Gấc Việt, xã Quảng Minh huyện Việt Yên tình Bắc Giang với 2 sản phẩm là “Tinh dầu gấc” và “Bột gấc sấy lạnh nguyên chất” vừa được HND tỉnh hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn tham gia đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2022 và đạt OCOP 3 sao.

HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung (Tân Yên) với sản phẩm "Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành" được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, trên cơ sở 56 sản phẩm chủ lực, tiềm năng của 10 huyện, thành phố đã đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển Dược khoa (Hà Nội) khảo sát, đánh giá, lựa chọn 15 sản phẩm có khả năng đạt OCOP năm 2022 để tư vấn tại chỗ cho các chủ thể và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, trong đó có 14 sản phẩm chủ thể là HTX, 1 sản phẩm chủ thể là hộ kinh doanh. 

Trong đợt bình chọn lần 1 năm 2022 vừa qua đã có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, 12 sản phẩm còn lại sẽ tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2 vào cuối năm nay.

Tăng cường phối hợp thực hiện đề án

Để giúp các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn chương trình OCOP cho cán bộ Hội Nông dân các cấp với nội dung: Tư vấn tại chỗ về phát triển ý tưởng sản phẩm OCOP; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; quy trình thành lập HTX, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP; cách thức triển khai và vận hành chương trình OCOP... 

Cơ sở chế biến các sản phẩm từ gấc của hộ thành viên Trần Sỹ Quảng thuộc HTX Nông nghiệp Gấc Việt, tại thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên)
Cơ sở chế biến các sản phẩm từ gấc của hộ thành viên Trần Sỹ Quảng thuộc HTX Nông nghiệp Gấc Việt, tại thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên).

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tập trung trang bị kiến thức về quy trình xây dựng sản phẩm OCOP cho 180 đại diện chủ thể có sản phẩm đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP; tập huấn cho 40 chủ thể HTX đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022 kỹ năng phát triển ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm.

Dù vậy, việc thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế, như: Hầu hết sản phẩm đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn hiện nay đều là những sản phẩm có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, chưa có hệ thống phân phối trên thị trường, đa số chủ thể tham gia chương trình OCOP đều khó khăn về kinh phí, một số sản phẩm còn thiếu nhiều điều kiện, tiêu chuẩn để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm do Hội Nông dân tư vấn chưa đa dạng, phần lớn thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm; giá trị gia tăng thấp; việc liên kết theo chuỗi chưa được các chủ thể quan tâm.

Để khắc phục hạn chế trên, tạo đột phá trong phát triển sản phẩm OCOP, đầu tháng 9 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang đã có buổi kiểm tra thực tế việc triển khai đề án và làm việc với Hội Nông dân tỉnh. 

Theo đó Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các cấp, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện đề án. Hội Nông dân tỉnh rà soát, xem xét bổ sung các văn bản, quy chế phối hợp thực hiện đề án với các cơ quan, sở, ngành liên quan. 

Liên minh HTX tỉnh tích cực phát huy vai trò trong xây dựng, nâng cao chất lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX; phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao. Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể nhằm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm OCOP...

Bá Đoàn