THCL Đó là khẳng định của Luật sư Phạm Duy Hiển, Văn phòng Luật sư Phạm Duy, về tình trạng nhiều cơ sở sản xuất cà phê đang kinh doanh sản phẩm không đảm bảo với quy định và thông tin đã công bố. 

 Bài 8- Kinh doanh cà phê không đúng với thông tin công bố: Hành vi gian lận thương mại - Hình 1

Kết quả thử nghiệm mẫu cà phê của một thương hiệu nổi tiếng không đạt chuẩn về hàm lượng caffein

Lợi dụng kẽ hở

Câu chuyện về cà phê bẩn là loại sản phẩm có chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức giới hạn cho phép, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng vẫn luôn được dư luận quan tâm đặc biệt. Thế nhưng, tình trạng cà phê trộn, dù đã được đưa ra bàn luận, song đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Sẽ không phải bàn cãi nhiều nếu những chất pha trộn trong cà phê là thực phẩm sạch, an toàn và được pha trộn đúng liều lượng. Thực tế, có nhiều thương hiệu cà phê Việt hiện nay đang xảy ra tình trạng chất lượng sản phẩm không đúng như công bố trên bao bì sản phẩm và theo quy định tiêu chuẩn về cà phê.

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã thông tin về kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng đo lường 3 về việc hàng loạt sản phẩm cà phê có thương hiệu, kinh doanh sản phẩm có chất lượng không đạt chuẩn.

Theo đó, tiêu chuẩn về hàm lượng caffein theo đúng quy định và công bố trên bao bì thì, nhiều doanh nghiệp cà phê đang không đạt chuẩn. Thậm chí, có cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê, tung ra những sản phẩm cà phê bột nhưng không có chút hàm lượng caffein nào?

Điều đáng nói, hầu hết những mẫu sản phẩm có kết quả không đạt chuẩn đều là những thương hiệu cà phê nổi tiếng ngay tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk.

Luật sư Phạm Duy Hiển cho rằng, không thể kinh doanh kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” đối với bất kỳ mặt hàng nào, chứ đừng nói là cà phê. Việc thiếu công khai, minh bạch trong công bố thành phần cà phê - chính là hành vi gian lận thương mại, có sự chủ động trong việc “đánh lừa” người tiêu dùng. Không chỉ thế, chất lượng cà phê không đảm bảo nhưng vẫn công bố trên bao bì sản phẩm đạt chuẩn, cũng là hành vi gian lận thương mại trắng trợn.

Cần phải minh bạch

Theo Luật sư Phạm Duy Hiển, nếu những doanh nghiệp trộn nguyên liệu nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang, tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đó là hành vi gian lận thương mại.

Bàn về hành vi gian lận thương mại của nhiều thương hiệu cà phê tại Đắk Lak, Luật sư  Phạm Duy Hiển cho rằng, việc doanh nghiệp cà phê bán sản phẩm không đúng với chất lượng theo quy định và công bố trên bao bì sản phẩm là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Cơ quan chức năng cần có những chế tài rõ ràng và hình thức xử phạt thích đáng, có thể rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn nhằm phòng, chống tái phạm. Từ đó, người tiêu dùng sẽ tránh được sự độc hại “tiền mất tật mang”!

Điều đáng nói, dù là quốc gia có sản lượng cà phê trong top đầu của thế giới, nổi tiếng về xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời thị trường trong nước cũng rất sôi nổi và sở hữu một lượng người tiêu dùng nội địa đông đảo, nhưng Việt Nam chưa hề có một hệ quy chuẩn quốc gia nào để đo lường và đánh giá chất lượng của cà phê Việt?

Đề nghị các cơ quan quản lý tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường công tác thanh kiểm tra để hạn chế tối đa, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh hiện nay. Có như vậy, mới đảm bảo được sản phẩm cà phê sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Thu Phương