Bài 1: Hoài Đức (Hà Nội): Ai “chống lưng” cho các trạm trộn bê tông không phép?
Bài 2: Trạm trộn bê tông A&P coi thường pháp luật?
Bài 3: Người dân bức xức vì trạm trộn bê tông Sông Đà 7.04 gây ô nhiễm
Bài 5: UBND huyện Hoài Đức kiểm tra, giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?
Bài 6: Trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức hoạt động không phép
Bài 7- Hoài Đức (Hà Nội): Thêm một trạm trộn bê tông Sông Đà Việt Đức hoạt động không phép
Bài 8: Hoạt động không phép, Trạm trộn bê tông BHP mặc sức “hành” dân
THCL Ngoài việc chưa hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, Trạm trộn bê tông An Khánh tại thôn Phương Bảng, xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) còn ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp, xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.
Trạm trộn bê tông An Khánh ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp, xả thải gây ô nhiễm môi trường
Được biết, Trạm trộn bê tông An Khánh do Công ty CP Bê tông và Xây dựng An Khánh làm chủ đầu tư, được lắp đặt tại thôn Phương Bảng, xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội).
Đất xây dựng trạm trộn là đất nông nghiệp, thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Đặng Đình An. Năm 2004, ông An được UBND huyện Hoài Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 1.941,6 m2. Sau đó, ông An đã ủy quyền cho ông Nguyễn Chí Kết khai thác sử dụng lô đất trên. Ông Kết đã cho Công ty CP Sông Đà 2 thuê lại đất để sử dụng vào mục đích lắp đặt trạm trộn bê tông (sau này Công ty CP Sông Đà 2 giao khoán lại cho Công ty CP Bê tông và Xây dựng An Khánh).
Mặc dù đã đi vào hoạt động, nhưng đến nay, trạm trộn bê tông này vẫn chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Đáng nói, trạm trộn này được xây dựng ngay trên diện tích đất nông nghiệp của xã Song Phương, xả thải trực tiếp ra môi trường thời gian qua, nhưng đã không bị cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Song Phương, ông Nguyễn Đức Khoa cho biết: “Hiện tại, Trạm trộn bê tông An Khánh chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định như Giấy phép xả thải, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép khai thác nước ngầm… Vào giữa năm, huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ công tác liên ngành xuống kiểm tra, xã đã phối hợp nhắc nhở công ty phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý thì mới được phép hoạt động tiếp, còn không sẽ bị tháo dỡ theo đúng quy định của pháp luật”.
Tại Báo cáo số 60/BC-TCT ngày 28/9/2016 của Tổ công tác liên ngành huyện Hoài Đức về việc kiểm tra, xử lý vi phạm các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện cũng đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của trạm trộn bê tông này.
Cụ thể: Về xây dựng, ngày 21/03/2005, trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 2 được UBND huyện Hoài Đức cho phép lắp dựng trạm trộn trên địa bàn thôn Phương Bảng (công ty đã tự thuê đất).
Tiếp đó, UBND huyện Hoài Đức đã có Văn bản số 97/CV/UB gửi lên UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Sông Đà 2 được lắp dựng trạm trộn bê tông tại xã Song Phương (Hoài Đức), thời gian sử dụng là 3 năm, mục đích phục vụ các công trình của Dự án đường Láng – Hòa Lạc. Sau khi kết thúc xây dựng các công trình tại dự án, Công ty CP Sông Đà 2 không tháo dỡ công trình theo đúng quy định, mà giao khoán lại cho ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng An Khánh hoạt động sản xuất bê tông từ năm 2009 đến nay.
Hiện Công ty đã xây dựng 1 dây chuyền sản xuất bê tông 75 m3/h thương phẩm công suất thiết kế; 1 nhà văn phòng; 1 khu nhà kho; 1 bãi vật liệu cát, đá; 3 bể lắng nước thải.
Về môi trường, công ty đã bị Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép. Tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa cung cấp được quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền, Giấy phép khai thác nước ngầm, Giấy phép xả thải, Hợp đồng vận chuyển phế thải và sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo đúng quy định.
Qua quá trình kiểm tra, Tổ công tác liên ngành kết luận: Trạm trộn bê tông của Công ty CP Bê tông và Xây Dựng An Khánh chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định về hoạt động trạm trộn bê tông. Đồng thời, Tổ công tác lập biên bản kiểm tra, yêu cầu công ty dừng hoạt động trạm trộn bê tông này, khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý về hoạt động của trạm trộn bê tông theo đúng quy định của pháp luật mới được phép hoạt động trở lại.
Liên quan tới việc hàng loạt trạm trộn bê tông xây dựng không phép trên địa bàn huyện Hoài Đức như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, ngày 20/10, ông Nguyễn Xuân Lý, Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức cho biết: “Tổ thanh tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các trạm trộn bê tông trên địa bàn về việc thực hiện Báo cáo số 60/BC-TCT ngày 28/9/2016 của Tổ công tác liên ngành huyện Hoài Đức. Trong quá trình kiểm tra, nếu các đơn vị trạm trộn vẫn hoạt động mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, đồng thời không tự giác tháo dỡ như yêu cầu, thì huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật…”.
Tuấn Ngọc - Gia Huy