Ông Trần Văn Đức – Gần 30 năm duy trì và gìn giữ “nét xưa” truyền thống của bánh cáy làng Nguyễn
Sinh ra và lớn lên ở làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, từ thuở bé ông Trần Văn Đức đã luôn có niềm say mê riêng đối với công việc sản xuất bánh cáy của quê hương của Thái Bình. Một công việc, một loại bánh tiến vua khi xưa, đã cho người dân làng nghề có một cuộc sống ổn định, ấm no. Chính vì thế, đối với ông Trần Văn Đức, bánh cáy đã cùng ông lớn khôn và trưởng thành. Ông luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để bánh cáy của làng nghề mãi được gìn giữ và lưu truyền cho đến muôn đời sau.
Ông Trần Văn Đức, chủ Xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức (Xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) kể lại: “Cụ tổ làng nghề bánh cáy là Bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần, con quan triều Nguyễn là cụ Phúc Đình Hầu, người trước kia phụng sự vua. Cụ Nguyễn Thị Tần tạo ra bánh cáy năm 1725 và dâng lên Vua. Tương truyền, sau khi ăn thấy lạ, ngon, độc đáo nên nhà vua ban chỉ hằng năm phải dâng loại bánh này lên vua… Từ lưu truyền đó, hàng trăm năm nay, bánh cáy làng Nguyễn cứ thế mà được gìn giữ và lưu truyền với cái tên Đặc sản tiến vua.”
Tâm niệm giữ được hồn cốt của sản vật quê hương, năm 1997, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức được xây dựng. Ban đầu xưởng sản xuất thủ công, bán ra chủ yếu là bánh cáy với số lượng ít. Bởi ngày xưa người dân ở Nguyên Xá chỉ làm bánh để ăn và làm quà trong những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, mỗi ngày, loại bánh ấy lại được khắp các tỉnh thành biết đến và mong muốn được thưởng thức. Cứ thế, do nhu cầu của thực khách gần xa, bánh cáy được sản xuất xuất quanh năm.
10 năm trở lại đây, xưởng sản xuất bánh kẹo Thiên Đức đã mạnh dạn dầu tư máy móc, nhà xưởng để sản xuất với số lượng lớn hơn đáp ứng thị trường. Dù thế, Ông Trần Văn Đức vẫn luôn giữ cho mình bí quyết của món bánh cáy truyền thống.
Lý giải vì sao Bánh cáy Thiên Đức lại được nhiều thực khách ở các tỉnh thành đặt mua, ông Trần Văn Đức, chủ Xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức (Xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Nguyên liệu chính để làm bánh cáy phải là gạo nếp cái hoa vàng mang rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả dành dành thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha nấu thành bánh mềm. Bánh được lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, dừa rồi cắt thành từng miếng.
Bánh cáy ngon bởi nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, tươi ngon. Kết hợp với bí quyết truyền thống bao đời nay của người dân làng Nguyễn, cùng sự phối trộn đều các tỷ lệ, đáp ứng thị hiếu của thực khách khắp 3 miền. Trải qua bao thế hệ, đến nay quy trình làm bánh cáy vẫn giữ được các công đoạn truyền thống xưa, dân dã và an toàn. Bánh cáy thành phẩm ăn không chỉ để tận hưởng độ ngon, dẻo thơm, mà còn hàm chứa một ý nghĩa dinh dưỡng đặc biệt.”
Sau gần 30 năm gìn giữ và phát triển bí quyết của cha ông của làng Nguyễn, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm song vẫn giữ được hồn cốt món quà quê bình dị của Thái Bình. Năm 2020, bánh cáy Thiên Đức vinh dự được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Từ đó, bánh cáy Thiên Đức được nâng tầm sản phẩm: chất lượng được đảm bảo, mẫu mã kích thước nhỏ gọn, đẹp hơn.
Trên đà phát triển đó, cuối năm 2020, xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức đã đưa vào mở rộng sản xuất một số dòng bánh kẹo khác. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các loại kẹo như: kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng…. đã được xuất xưởng mang thương hiệu bánh kẹo Thiên Đức. Niềm vinh dự của xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức lại càng được nhân lên, năm 2022, 3 sản phẩm là Kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Điều đó, khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng mà người tiêu dùng đã đặt niềm tin.
Bánh cáy OCOP Thiên Đức – Mang Sản vật tiến Vua đi “đánh” xứ người
Đến nay, xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là một trong số ít những chủ thể đang sở hữu 4 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh Thái Bình. Ông Trần Văn Đức tâm sự: “Vinh dự đó cũng là trách nhiệm của tôi, để rồi mỗi ngày càng phải gìn giữ và phát triển thương hiệu của gia đình của quê hương. Chính vì thế, Ông Đức luôn mong muốn sản vật của gia đình của quê hương được lan toả đi khắp nơi nơi. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang cả nước ngoài.”
Dự định đó đã được ông Trần Văn Đức ấp ủ thực hiện khoảng 3 năm trở lại đây. Bởi với thương hiệu sản phẩm OCOP, ông Đức tin rằng bánh cáy Thiên Đức hay bánh kẹo Thiên Đức chắc chắn sẽ có cơ hội vươn tầm thế giới. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của những người con xa quê xa đất nước và cũng là quảng bá nét văn hoá ẩm thực độc đáo của người Việt tới các nước bạn.
“3 năm nay, chúng tôi đã có những chuyến đi xúc tiến thương mại và khảo sát thị trường tại một số nước ở Đông Nam Á, Châu Á và Châu Âu… Cũng đã gửi bánh kẹo Thiên Đức tới tay các đối tác ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm. Chúng tôi, tự tin sẽ đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe từ các đối tác nước ngoài.
Theo thống kê, sản lượng sản xuất bình quân của các loại bánh kẹo tại đây là khoảng 35 tấn mỗi tháng. Các sản phẩm bánh kẹo Thiên Đức đã và đang được phân phối rộng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước. Sắp tới sẽ định hướng xuất khẩu sang Lào, Nhật Bản và Anh.” Ông Trần Văn Đức cho biết.
Phương Thuý