Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 106/TC- UBTH ngày 20/02/1980, là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 về lĩnh vực sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình.

Hơn 36 năm hoạt động và trưởng thành đến nay Bệnh viện đã có đội ngũ hùng hậu gồm 677 cán bộ nhân viên trong đó có : 13 bác sỹ chuyên khoa 2, 28 bác sỹ chuyên khoa 1, 10 thạc sỹ, 65 bác sỹ, 420 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và các bộ phận hành chính khác làm việc tại 24 khoa phòng.

Hàng năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 100.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Tổng số ca phẫu thuật khoảng 15.000 ca, tổng số ca đẻ khoảng từ 16.000 đến 18.000 ca, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, các ca bệnh khó được chuyển từ các huyện trong toàn tỉnh.

Thời gian qua đơn vị đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đáng chú ý, bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật cao như: kỹ thuật tách tiểu cầu từ máu toàn phần; các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản như: phôi thoát màng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chọc hút mào tinh hoàn lấy tinh trùng qua da, đông phôi và chuyển phôi đông lạnh… Đồng thời, ứng dụng một số kỹ thuật mới tiên tiến trong IVF, chẩn đoán sàng lọc trước sinh sơ sinh, chọc ối, nhiễm sắc đồ máu ngoại vi và giảm đau trong chuyển dạ.

Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật cao cắt tử cung qua nội soi, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật phôi thoát màng… Chất lượng khám và điều trị luôn được quan tâm hàng đầu. Qua quá trình phát triển, bệnh viện được đón nhận các danh hiệu cao quý do Đảng và nhà nước phong tặng: huân chương lao động hạng Ba (1994), Huân chương lao động hạng Nhì (1998), Huân chương lao động hạng Nhất (2003), Huân chương độc lập hạng ba (2011), Bằng khen của Thủ tướng chính phủ (2002), Danh hiệu bệnh viện bạn hữu trẻ em.

Nhằm giảm tải về thủ tục nhập, xuất viện, Bệnh viện Phụ sản đã từng bước cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận tiện cho người bệnh. Quy chế hội chẩn được thực hiện linh hoạt góp phần rút ngắn thời gian điều trị. Với việc chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức, người lao động theo Thông tư 07 của Bộ Y tế và Quyết định số 2151 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong tiếp đón và phục vụ, tạo nên sự hài lòng của người dân.

Ngoài những công việc chuyên môn, hoạt động xã hội cũng được lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa quan tâm. Là đơn vị được Sở Y tế giao giúp đỡ xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành xóa đói, giảm nghèo. Bệnh viện đã tổ chức khám sức khỏe miễn phí và giúp đỡ nhân dân địa phương này xây dựng nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, mua sắm một số trang thiết bị, vật tư phục vụ cho hoạt động của Trạm Y tế xã. Song song đó, cán bộ nhân viên bệnh viện luôn nhiệt tình hưởng ứng chương trình hiến máu tình nguyện. Trong đợt hiến máu gần đây nhất, bệnh viện đã kêu gọi toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động hiến được 213 đơn vị máu.

Với sự cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong tỉnh . Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa ngày nay đã trở thành thương hiệu, là nơi mà bệnh nhân luôn gửi trọn niềm tin.

 Hà Trần