Trước đó, ngày 04/7/2017 UBND thị xã Bỉm Sơn đã ký Quyết định số 2330/QĐ-UBND về việc cho thuê đất trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình, cá nhân. Quyết định nêu rõ: “Cho ông Lê Văn Nhịp, bà Lê Thị Thoa; địa chỉ thường trú/Khu phố: phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn thuê 4.349m2 đất trồng rừng sản xuất tại khu 4, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Thời hạn thuê đất: 47 năm, kể từ ngày ký Quyết định thuê đất”.

Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhà kiên cố, sân bóng “mọc” trên đất được giao trồng rừng - Hình 1

Quyết định của UBND TX. Bỉm Sơn về việc cho hộ gia đình ông Lê Văn Nhịp, bà Lê Thị Thoa thuê đất.

Nguồn gốc đất, theo tờ bản đồ 224512-4, thửa số 152; Bản đồ địa chính năm 1996, tỷ lệ 1/1500 của phường Ba Đình, kết quả kiểm tra và đề xuất của văn phòng Đăng ký sử dụng đất (ĐKQSD) đất ghi rõ: “Cấp Giấy chứng nhận (GCN) đất lâm nghiệp cho gia đình ông Lê Văn Nhịp và bà Lê Thị Thoa; Nguồn gốc sử dụng nhận chuyển nhượng đất lâm nghiệp năm 2003, chủ cũ khai hoang trồng rừng năm 1998; Cấp GCN diện tích 4.349m2 là diện tích còn lại sau khi thu hồi bồi thường GPMB dự án mở rộng đường Nguyễn Đức Cảnh, dự án khu thể thao và các công trình dịch vụ phụ trợ; Mục đích sử dụng: đất trồng cây rừng” do UBND Thị xã Bỉm Sơn ký ngày 21/8/2017".

Tuy nhiên, trên thực tế, khu đất mà UBND thị xã Bỉm Sơn giao cho gia đình ông Nhịp với mục đích trồng rừng lại bị “hô biến” thành một sân bóng đá nhân tạo với diện tích hàng nghìn m2, và công trình nhà kiên cố với diện tích khoảng gần 100m2 và một sân để xe được đổ bê tông…

Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhà kiên cố, sân bóng “mọc” trên đất được giao trồng rừng - Hình 2Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhà kiên cố, sân bóng “mọc” trên đất được giao trồng rừng - Hình 2Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhà kiên cố, sân bóng “mọc” trên đất được giao trồng rừng - Hình 2

Nhà kiên cố và sân bóng nhân tạo trái phép "mọc" trên đất trồng rừng...

Theo ghi nhận của PV, khu đất có diện tích gần 5.000 m2 nằm bên trong khu đô thị Ba Đình và cạnh Trung tâm văn hóa thể thao Phục Hưng. Bên trong xây dựng một sân bóng đá nhân tạo với diện tích khoảng hơn 1000m2, một nhà tạm để thay đồ và bảo vệ, diện tích khoảng hơn 50m2 với kết cấu mái tôn, tường xây gạch chịu lực 1 tầng và một sân để xe.

Sân bóng được sử dụng với mục đích cho thuê và giá trung bình mỗi một lần là từ 3 đến 5 trăm nghìn/1 lượt.

Liên quan đến sự việc này, ngày 25/4/2018, UBND phường Ba Đình đã ban hành Quyết định xử phạt số: 40/QĐ-XPVPHC đối với ông Lê Tình Nguyện (con trai của ông Lê Văn Nhịp - PV) về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.

Theo đó, ông Lê Tình Nguyện bị phạt 1.000.000 đồng theo điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ và buộc ông Nguyện phải tháo dỡ toàn bộ công trình vị phạm trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định.

Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhà kiên cố, sân bóng “mọc” trên đất được giao trồng rừng - Hình 3

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND phường Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

Trao đổi với PV, ông Mai Quang Bính – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Bỉm Sơn cho biết: “Năm 2015 do nhu cầu giải bóng đá thanh thiếu niên, nên thị xã Bỉm Sơn tạm chấp thuận cho làm sân bóng, xây nhà bảo vệ để trông coi, tuy nhiên, chưa có giấy phép xây dựng. Nếu theo văn bản cũ cấp thì thị xã cho thuê diện tích dưới 5.000m2. Nhưng, gia đình ông Nhịp xin nhượng lại thêm diện tích lớn hơn 5.000m2 nên phải xin chủ trương của tỉnh. Trình tự đầu tư xây dựng của tỉnh theo quy định thì hiện nay chưa có, thị xã thống nhất cho làm trước. Phường sẽ tham mưu cho tỉnh chấp thuận cho đầu tư”.

Cũng theo ông Bính cho hay, hiện ông Lê Văn Nhịp đang là Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Trạo (Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

Mặc dù, vi phạm trên khu đất được giao cho gia đình ông Lê Văn Nhịp đã xảy ra trong một thời gian dài (năm 2017 UBND phường Ba Đình đã ra Quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vị phạm trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định)nhưng đến nay cơ quan chức năng thị xã Bỉm Sơn vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để, những hạng mục xây dựng sai phép vẫn ung dung tồn tại, khiến dư luận vô cùng khó hiểu...

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TNMT và cơ quan chức năng liên quan.. nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, làm rõ, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm sai phạm nêu trên.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Huy Trung