Đó là nội dung chủ yếu của văn bản mà Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định đề nghị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác tăng cường phòng, chống bệnh cúm.
Theo đó, Cục Y tế Dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định thực hiện một số vấn đề liên quan đến 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm tại huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh, như:
- Báo cáo tổng thể tình hình bệnh cúm trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong năm 2023 - 2024, phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm; báo cáo công tác giám sát cúm, đặc biệt làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do vi rút để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định, những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại tỉnh (nếu có), báo cáo trước ngày 29/11.
- Đề nghị tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
- Đẩy mạnh giám sát trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng, tại cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
- Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, đặc biệt chú ý trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), người già và trẻ em. Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát ổ dịch cúm tại cơ sở khám chữa bệnh.
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đối các chủng cúm đã có vắc xin.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống bệnh cúm, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
- Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh cúm, các địa phương có ổ dịch…
Được biết, theo Sở Y tế Bình Định, toàn tỉnh hiện đã ghi nhận 9 trường hợp bệnh nhân dương tính với cúm A/H1pdm tại các địa phương Phù Mỹ, An Nhơn, Vĩnh Thạnh và TP Quy Nhơn. Trong đó có 4 trường hợp đã tử vong (3 trường hợp tại huyện Phù Mỹ, 1 trường hợp tại huyện Vĩnh Thạnh). Đáng lưu ý là tình hình các ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây…
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Định: Trước tình hình trên, Sở đã có văn bản khẩn đề nghị các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm. Các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm thì cần áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm y tế tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh. Cần nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh theo hướng dẫn tại quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa. Các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa tử vong. Các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút. Các cơ sở chủ động đảm bảo cơ số thuốc Tamiflu hoặc Zanamivir phục vụ công tác khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn…/.
Viết Hiền