Theo đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Trưởng ban Chỉ đạo thống nhất về phương án xây dựng chính sách hỗ trợ và tiêu chí đánh giá mức độ di dời của doanh nghiệp.
Cụ thể, tỉnh đang xem xét chính sách về giá đất cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp di dời, chính sách nhà ở cho công nhân khi thực hiện di dời; chính sách đào tạo nghề cho người lao động; chính sách miễn, giảm phí, lệ phí các thủ tục hành chính khi thực hiện di dời; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kế thừa quỹ đất đang có ở vị trí hiện tại để thực hiện theo quy hoạch.
Theo đề xuất các tiêu chí nhằm chấm thang điểm để xác định di dời các doanh nghiệp với 4 mức: Bắt buộc di dời; thuộc diện di dời; thuộc diện phải chuyển đổi công năng; thuộc diện không di dời, chuyển đổi công năng...
Dự kiến tỉnh Bình Dương thông qua chính sách tại kỳ họp Hội đồng nhân dân trong năm 2024 và bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư.
Cụ thể, TP. Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 01/2024 đến tháng 06/2030; TP. Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2030; TP. Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028; thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 01/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 01/2024 đến 12/2030.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết nếu doanh nghiệp nằm trong danh sách di dời sẽ được thông báo trước để có thời gian chuẩn bị.
Sở cũng sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp di dời, cũng như ban hành tiêu chí xét cơ sở sản xuất phải di dời hay chuyển đổi công năng.
"Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên xây dựng một cụm công nghiệp mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời doanh nghiệp, trước khi triển khai đại trà" - ông Toàn nhấn mạnh.
Trường hợp những lo ngại của doanh nghiệp về nguồn lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết, địa phương có nhiều cơ sở dạy nghề và đang tuyển sinh số lượng lớn, từ đó cung cấp số lượng lớn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp.
Các trường nghề cũng liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề, học viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào làm việc. "Sở sẽ tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động khi di dời về tiền lương, đào tạo nghề" - ông Tuyên cam kết.
Phong Vân