Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng làm rõ 1 số vấn đề tại cuộc họp
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng làm rõ 1 số vấn đề tại cuộc họp. (Ảnh: PV)

Chiếm vai trò chủ lực, mũi nhọn, hoạt động dịch vụ cảng, logistics Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2020 có tốc độ tăng trưởng đạt từ 18 - 23% tỷ trọng đóng góp vào GDP thành phố từ 10 – 15%. Hiện tại, Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, khoảng 175 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực này, chiếm 20% nguồn lao động logistics cả nước. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, kho bãi, trung tâm logistics được quan tâm đầu tư đồng bộ là tiền đề để Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc và cả nước.

Sau khi nghe những đề xuất, kiến nghị từ phía các Sở, ngành thành phố và những ý kiến bổ sung, đánh giá, gợi mở của các chuyên gia tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường làm rõ thêm những vấn đề còn khó khăn trong phát triển logistics như: phạm vi khái niệm logistics rất rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực như vận tải, giao thông, thương mại, dịch vụ,... Quy mô kho bãi, hệ thống cảng tại Hải Phòng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có liên kết để tạo ra lợi thế quy mô lớn. Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề xuất, trong quá trình xây dựng đề án, cơ quan chủ trì là Bộ Công thương quan tâm làm rõ định nghĩa, phạm vi khái niệm “logistics”, cụ thể hóa bằng những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn; cân nhắc phát triển lợi thế quy mô; có những cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, tạo độ “mở” cho hoạt động logistics. Đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, trước hết là tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu chung kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động logistics. Có những định hướng sâu sát để Hải Phòng sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của cả nước và quốc tế.

Thứ Trưởng Bộ Công thương phát biểu kết luận tại buổi làm việc tại Hải Phòng về Đề án phát triển dịch vụ Logistics
Thứ Trưởng Bộ Công thương phát biểu kết luận tại buổi làm việc tại Hải Phòng về Đề án phát triển dịch vụ Logistics. (Ảnh: PV)

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng dựa trên cơ sở những nghị quyết, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu phát huy được tính đặc thù, thế mạnh của từng địa bàn, khu vực gắn với nâng tầm chuỗi dịch vụ logistics quốc gia, xây dựng những mô hình điểm, tối ưu hóa hoạt động logistics. Những ý kiến đề xuất tại cuộc họp sẽ được các thành viên Đoàn công tác tổng hợp, cân nhắc trong quá trình xây dựng Đề án.

Lương Huệ (nguồn CTTĐTTP)