Ảnh minh họa
Thông tin từ Bộ Y tế, hiện là 1 trong 42 nước sản xuất được vaccine phòng bệnh, đặc biệt, tự chủ được phần lớn các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Việt Nam cũng là 1 trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là Cơ quan quản lý vaccine đạt chuẩn quốc tế. Hiện tại, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất được các loại vaccine lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn…
Từ tháng 4/2018, Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Bộ Y tế đã sản xuất được vaccine sởi-rubella (Mrvac) và đưa vào sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi, thay thế cho loại vaccine sởi- rubella nhập khẩu lâu nay.
Cho đến nay, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vaccine Mrvac ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng không phát hiện trường hợp nào bị phản ứng nặng sau tiêm chủng. Việc chủ động sản xuất được vaccine sởi-rubella giúp Việt Nam đảm bảo được nguồn vaccine trong tiêm chủng thường xuyên trong công tác phòng chống dịch, giúp ngăn chặn và khống chế được dịch bệnh sớm và nhanh.
Theo Bộ Y tế, 8/12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta là sản xuất trong nước. Từ nay đến 2019, Bộ Y tế cho biết sẽ có thêm 3 loại vaccine để phòng bệnh cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và vaccine bại liệt bất hoạt.
Bộ Y tế đề ra định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vắc xin đáp ứng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, thay thế vắc xin nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.
Trong đó, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Diệp Bắc