Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tiền sản giật - sản giật là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 2 -10% trong toàn bộ thai kỳ. Mặc dù đã có những nỗ lực trong quản lý giai đoạn tiền sản nhưng tiền sản giật - sản giật vẫn là một trong những gánh nặng bệnh tật trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Bộ Y tế hướng dẫn nguyên tắc sàng lọc tiền sản giật - sản giật:

Tích hợp sàng lọc tiền sản giật thực hiện thường quy vào quy trình quản lý thai, khám thai cho tất cả mọi thai phụ.

-Thực hiện sàng lọc tiền sản giật theo mô hình hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: tại thời điểm 11 -13+6 tuần tuổi thai, mục tiêu tập trung vào sàng lọc tiền sản giật sớm và can thiệp dự phòng,

Giai đoạn 2: vào 3 tháng giữa và/hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, sàng lọc tiền sản giật được tiếp tục thực hiện cho cả tiền sản giật sớm và tiền sản giật muộn, nhằm mục đích quản lý phù hợp các trường hợp nguy cơ cao, xác định thời điểm, địa điểm và cách thức kết thúc thai kỳ hợp lý cho từng trường hợp.

Có thể hạn chế các ảnh hưởng của tiền sản giật-sản giật thông qua dự báo và điều trị dự phòng bệnh.

Điều trị dự phòng tiền sản giật

Đối với tuyến y tế cơ sở

Xác định nhóm nguy cơ cao cần điều trị dự phòng tiền sản giật dựa vào các đặc điểm mẹ, các yếu tố tiền sử, bệnh sử, yếu tố gia đình liên quan đến tiền sản giật:

Điều trị dự phòng nếu có một trong những yếu tố nguy cơ sau: Tiền sử tiền sản giật (đặc biệt khi có biến chứng nặng), đa thai, tăng HA mạn, đái tháo đường typ 1 hoặc 2, bệnh thận, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid...)

Cân nhắc điều trị dự phòng tiền sản giật nếu có từ 2 yếu tố sau: thai con so, béo phì (BMI >30kg/m2), tiền sử gia đình tiền sản giật (mẹ hoặc chị,em), mẹ trên 35 tuổi, đặc điểm xã hội (điều kiện kinh tế xã hội thấp), tiền sử thai nhẹ cân, kết quả thai kỳ bất lợi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm.

Đối với tuyến tỉnh và trung ương:

Thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ

+ Các trung tâm có thể triển khai thường quy mô hình sàng lọc tiền sản giật: Xác định nhóm nguy cơ cao tiền sản giật dựa vào mô hình phối hợp các yếu tố nguy cơ mẹ, HA động mạch trung bình, siêu âm doppler chỉ số xung động mạch tử cung và xét nghiệm sinh hoá PlGF hoặc PAPP-A (sử dụng PAPP-A nếu không thể xét nghiệm PlGF). Cần điều trị dự phòng khi nguy cơ xác định bằng mô hình phối hợp ≥ 1/100.

+ Các trung tâm chưa triển khai thường quy mô hình sàng lọc tiền sản giật: khuyến cáo ưu tiên lựa chọn nhóm nguy bằng mô hình phối hợp hơn so với chỉ dựa vào các yếu tố nguy cơ mẹ. Có thể áp dụng mô hình phối hợp yếu tố nguy cơ mẹ và HA động mạch trung bình, sau đó, những đối tượng nguy cơ cao sẽ phối hợp thêm siêu âm Doppler chỉ số xung động mạch tử cung và xét nghiệm sinh hoá như trong mô hình tối ưu được khuyến cáo để xác định nhóm cần can thiệp và chỉ định điều trị dự phòng tại tuyến tỉnh trở lên.

Thời điểm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ:

+ Tiếp tục sàng lọc tiền sản giật bằng mô hình dự báo phối hợp yếu tố nguy cơ mẹ, HA động mạch trung bình, chỉ số xung động mạch tử cung và PlGF, sFlt-1.

+Không có chỉ định điều trị dự phòng.

Linh Tuệ