Hàng loạt nhà xưởng, hàng quán, gara ô tô, trạm trộn bê tông vẫn “án ngữ” và hoạt động rầm rộ tại dự án Khu liên hợp thể thao Quốc gia sau chỉ đạo của Bộ VHTT&DL
Được biết, Khu liên hợp thể thao Quốc gia được xây dựng từ năm 2001 để phục vụ cho việc tổ chức SEA Games 2003 trên tổng diện tích 247 ha đất. Bên trong khu liên hợp có hai công trình lớn là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi và cung thể thao dưới nước với ba hồ đạt chuẩn quốc tế.
Năm 2012, Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy theo Nghị định 43 và Nghị định 16 của Chính phủ; Nghị định 59 và Nghị định 69 của Chính phủ về cơ chế và chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao và môi trường.
Thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định của Chính phủ và chịu trách nhiệm 100% kinh phí cho hoạt động, Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã thực hiện liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo các nguồn thu từ việc đầu tư khai thác quỹ đất và những cơ sở vật chất hiện có.
Khu vực đối diện Sân vận động Mỹ Đình là khu nhà xưởng vẫn đang tồn tại
Qua đó, Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng để mở nhà hàng, quán cà phê, gara ô tô và hàng trăm nhà xưởng xây dựng kiên cố bằng gạch vữa, sắt thép với diện tích cả chục nghìn mét vuông. Cùng với đó là những trạm trộn bê tông, quy mô lớn nhất là trạm trộn bê tông của Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Thương mại Việt Hàn.
Tiếp giáp với vị trí đường lớn là hàng loạt nhà hàng, quán bia, gara ô tô… được xây dựng bằng bê tông, khung thép kiên cố. Điển hình như: Sàn ô tô Mỹ Đình, Chevrolet Thăng Long, Đông Nam Á Auto, Công ty CP nội thất Đại Dương, Nhà hàng Hoa An Viên, Bia Hải Gia, Nhà hàng Thắng Còi, Nhà hàng Aquaria Palace…
Liên quan đến dự án này, ngày 1/8/2018, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải đã ký Văn bản về việc đôn đốc xử lý đối với đất chờ thực hiện dự án tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trước đó, ngày 23/3/2018, Bộ VHTT&DL cũng có Công văn số 1132/BVHTTDL-KHTC gửi Khu liên hợp thể thao Quốc gia về việc quản lý cơ sở vật chất.
Trong Văn bản đôn đốc nêu rõ, "Bộ VHTT&DL yêu cầu Khu liên hợp Thể thao Quốc gia dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Khu liên hợp thể thao Quốc gia có trách nhiệm chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng...".
Thậm chí, nhiều chủ cơ sở thuê lại mặt bằng còn không hề biết thông tin sẽ phải hoàn trả lại mặt bằng cho Khu liên hợp thể thao Quốc gia
Ngày 26/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc với Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Thể dục thể thao và Khu liên hợp thể thao Quốc gia về điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp cở sở vật chất của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia.
Đến ngày 6/7, Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 2957/BVHTTDL-KHTC gửi Khu liên hợp thể thao Quốc gia về việc quản lý, sử dụng mặt bằng đất chờ thực hiện dự án tại Khu liên hợp Thể thao Quốc gia. Theo đó, Bộ yêu cầu cơ quan này khẩn trương xử lý dứt điểm việc thu hồi lại mặt bằng đất chờ thực hiện dự án và báo cáo Bộ trước ngày 30/7. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2018, Khu liên hợp thể thao Quốc gia vẫn chưa có báo cáo kết quản thực hiện theo chỉ đạo của Bộ.
Bên cạnh đó, "Bộ VHTT&DL yêu cầu Khu liên hợp Thể thao Quốc gia nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ và báo cáo kết quả thu hồi lại mặt bằng đất chờ thực hiện dự án trước ngày 15/8. Trong trường hợp Khu liên hợp thể thao Quốc gia tiếp tục chậm trễ trong việc thu hồi lại mặt bằng, Thủ trưởng đơn vị này sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ VHTT&DL".
Văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Bộ VHTT&DL là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt nhà hàng, quán ăn, gara ô tô, trạm trộng bê tông… vẫn “án ngữ” và hoạt động rầm rộ tại dự án Khu liên hợp thể thao Quốc gia. Đặc biệt, nhiều chủ cơ sở thuê lại mặt bằng còn không hề biết thông tin sẽ phải hoàn trả lại mặt bằng cho đơn vị này.
Để tìm hiểu thông tin về sự việc, phóng viên đã đến Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Quốc gia đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều ngày trôi qua, nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía đơn vị này.
Vì sao hàng loạt nhà hàng, quán ăn, gara ô tô, trạm trộn bê tông… vẫn “án ngữ” và ngang nhiên hoạt động rầm rộ tại dự án Khu liên hợp thể thao Quốc gia bất chấp chỉ đạo của Bộ VHTT&DL? Khu liên hợp thể thao Quốc gia sẽ báo cáo gì với lãnh đạo Bộ…?
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Huy Trung