Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các đại biểu nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình đường biên giới kéo dài là tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ; tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, bưu điện quốc tế để vận chuyển hàng vào nội địa tiêu thụ, hợp thức hoá hàng lậu, hàng cấm…
Trước tình hình này, ban chỉ đạo 389 từ Trung ương đến các địa phương đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch để chỉ đạo các lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu.
Trên cơ sở đó triển khai các kế hoạch biện pháp kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện 88.564 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 8 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, thời gian qua vẫn còn tình trạng một số đầu nậu buôn lậu đường ở phía bên Campuchia tập kết tại một số điểm ở Việt Nam nhưng không bị phát hiện; vấn đề thực phẩm chức năng tràn về các địa phương. Vấn đề buôn lậu xăng dầu cung cấp cho tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam chưa được kiểm soát… Câu hỏi đặt ra là "Ban Chỉ đạo có biết tình trạng này không và ai là người chịu trách nhiệm?".
Đại diện một số cơ quan chức năng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho rằng còn tồn tại những vấn đề nêu trên.
Để tạo được chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 6 tháng cuối năm 2017, các bộ ngành, địa phương cần triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn các lực lượng chức năng, rà soát, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất vào các vị trí, địa bàn phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ công khai trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Riêng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chí công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương; định kỳ sáu tháng, một năm phân loại để làm tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng.
Ngô Tỉnh